Chấm dứt tình trạng người dân “rồng rắn” mua xăng dầu

Hoàng Huyền
Tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ vẫn tiếp tục kéo dài dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều chỉnh. Sau các tỉnh thành phía Nam, gần một tuần nay, người dân Thủ đô phải “vật vã” chen chúc xếp hàng đổ xăng giữa đêm khuya, hay đầu tờ mờ sáng.

Tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ vẫn tiếp tục kéo dài dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều chỉnh. Sau các tỉnh thành phía Nam, gần một tuần nay, người dân Thủ đô phải “vật vã” chen chúc xếp hàng đổ xăng giữa đêm khuya, hay đầu tờ mờ sáng. Cùng với đó là những tác động, ảnh hưởng đến giá cả thị trường hàng hóa khi nguồn cung xăng dầu bị thiếu hụt cục bộ kéo dài, và giá xăng dầu đang tăng trở lại.

Cùng với đó là những tác động, ảnh hưởng đến giá cả thị trường hàng hóa khi nguồn cung xăng dầu bị thiếu hụt cục bộ kéo dài, và giá xăng dầu đang tăng trở lại.

Các chuyên gia cho rằng để tình trạng cây xăng đóng cửa không bán, hoặc bán cầm chừng, và việc người dân phải xếp hàng dài, mất nhiều thời gian để mua xăng dầu kéo dài trong thời gian qua là điều “bất thường”. “Bất thường” ở chỗ, Bộ Công Thương cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã nhập 5,7 triệu tấn xăng dầu, thêm nguồn dầu từ hai nhà máy lọc dầu trong nước là Dung Quất và Nghi Sơn với 12,9 triệu mét khối thì tổng nguồn cung của cả nước là 18,6 triệu tấn, đạt khoảng 90% nhu cầu tiêu dùng cả năm (từ 20-20,5 triệu tấn). Tuy nhiên, thị trường xăng dầu thực tế đang ghi nhận sự đứt gãy một số phân khúc, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Điều này cho thấy, cơ quan quản lý Nhà nước đã không nắm bắt thông tin và điều phối thị trường một cách hài hòa, hợp lý.

Tại nghị trường Quốc hội, chất vấn về vấn đề thị trường xăng dầu “hỗn loạn” đang diễn ra thời gian gần đây đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng nguyên nhân là do cách tính giá cơ sở xăng dầu không còn phù hợp. Nghị định 95/2021 quy định lấy giá dầu thế giới bình quân 10 ngày trước để tính giá cơ sở trong nước của 10 ngày sau, tức chênh với thế giới tới 20 ngày. Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, cách tính giá như vậy đã lạc hậu và đề nghị Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh. Một nguyên nhân khác khiến thị trường xăng dầu trở nên bất cập cũng được đại biểu Trí nêu lên, là tình trạng cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu tràn lan. Hiện trong nước có tới 36 doanh nghiệp đầu mối, hơn 330 thương nhân phân phối xăng dầu, trong khi các nước khác rất “tinh gọn” như Nhật Bản chỉ có 5 đầu mối, Trung Quốc 4-6 đầu mối. Chính điều này dẫn tới hệ luỵ, khó quản lý.

Trao đổi về vấn đề này với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng tình trạng thị trường xăng dầu bất ổn có nguyên nhân không phải do nguồn cung thế giới, hay do ta không nhập được xăng dầu, mà là do cơ chế điều hành chưa phù hợp. Đó là chi phí chiết khấu cho các nhà bán lẻ quá thấp, thậm chí, nhiều nhà bán lẻ không có chi phí này, mà chỉ tập trung vào các doanh nghiệp đầu mối. Khi nhà bán lẻ không có chi phí chiết khấu, càng bán càng lỗ thì họ sẽ không mặn mà.

Tại cuộc họp khẩn với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan về tình hình cung ứng xăng dầu do hai Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Lê Văn Thành chủ trì chiều ngày 11/11 đã thống nhất nguyên nhân chính của hiện tượng thiếu xăng dầu vừa qua là do các định mức chi phí, chi phí kinh doanh xăng dầu phát sinh nhưng chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời trong công thức tính giá cơ sở. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, rà soát, cập nhật các chi phí phát sinh thực tế, để liên Bộ điều hành giá bán lẻ phù hợp với diễn biến của thị trường thế giới.

Trước tình trạng đó, ngày 11/11, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện khẩn giao Bộ Công Thương chỉ đạo ngay các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước. Đồng thời phải khắc phục tình trạng thiếu cục bộ từ ngày 12/11, không để đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống. Trong chỉ đạo khẩn, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn; bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý Nhà nước, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Trong kỳ điều chỉnh giá mới nhất của liên bộ Công Thương-Tài chính, từ 15h chiều ngày 11/11, giá xăng đã quay lại đà tăng. Cụ thể giá xăng Ron 95-III tăng lên 23.860 đồng/lít; E5 Ron92 là 22.710 đồng/lít. Cùng với đó, các mặt hàng dầu cũng tăng, trừ dầu diesel giảm 90 đồng về còn 24.980 đồng/lít. Dầu hoả tăng giá mới là 24.740 đồng/lít; dầu mazut là 14.760 đồng/kg.

Thiết nghĩ xăng dầu là mặt hàng có tác động rất lớn tới đời sống kinh tế xã hội. Đây cũng được xem là mặt hàng đặc biệt tạo ra chi phí đẩy tăng giá cho các mặt hàng khác. Vì xăng dầu tăng giá sẽ liên quan tới giá cước vận tải, giao thông, nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành kinh tế tăng theo, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Do đó, Nhà nước cần nhanh chóng kiểm soát và điều hành thị trường xăng dầu để bình ổn đời sống của người dân.

BẢO NAM