Cụ thể trách nhiệm khai, nộp thuế thay của chủ sàn thương mại điện tử

Admin
Mới đây, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Quy định trách nhiệm khai thuế, nộp thuế

Dự thảo quy định bổ sung trách nhiệm khai thuế thay, nộp thay cho cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) có phát sinh bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn của các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT).

Theo đó, đối với hàng hóa, dịch vụ được bán thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn thì tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm đại diện cho người bán là cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) để khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân.

Đối với hàng hóa, dịch vụ được bán không thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn thì tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho người bán là cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) trên cơ sở ủy quyền bằng văn bản theo quy định của pháp luật dân sự và người bán là cá nhân có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cho chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT để thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.

Hình thức hoạt động của sàn giao dịch TMĐT

Trước đó, ngày 25/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về TMĐT đã đưa ra các hình thức hoạt động của sàn giao dịch TMĐT gồm có 4 hình thức: (a) Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; (b) Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng; (c) Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ; (d) Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định tại điểm a, b, c và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó). Trên các Website của từng hình thức sàn giao dịch TMĐT nêu trên có hoặc không có “chức năng đặt hàng trực tuyến”.

Đồng thời, tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP bổ sung quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, trong đó có quy định chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm: (i) thông báo nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch TMĐT; (ii) là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng; (iii) lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn giao dịch TMĐT theo quy định của pháp luật về kế toán; (iv) liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ DNNCN (Tổng cục Thuế) trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, xét về tổng thể, việc quy định sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn là phương án tối ưu trong việc quản lý thuế hiệu quả, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế.

Với quy định này, thay vì hàng trăm nghìn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sàn TMĐT khai, nộp thuế thay để cắt giảm thủ tục hành chính cho cơ quan thuế và người nộp thuế.

Đồng thời, mọi hoạt động mua bán, từ khâu đặt hàng, vận chuyển, thanh toán, giải quyết khiếu kiện về hàng hóa, dịch vụ,... đều được thực hiện thông qua sàn và người mua hàng chỉ thực hiện các giao dịch thông qua sàn. Nên có thể hiểu, sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến tham gia trực tiếp, đóng vai trò quyết định đối với từng giao dịch mua bán trên sàn và nắm được thông tin về doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân kinh doanh thông qua sàn để thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay một cách thuận lợi, đầy đủ.

Đồng bộ với quy định của pháp luật về TMĐT

Triển khai đề án quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT đã được Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 2146/QĐ-BTC ngày 12/11/2021, Tổng cục Thuế đã triển khai thu thập thông tin, tài liệu tại một số sàn giao dịch TMĐT. Qua kiểm tra thực tế, cơ bản sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến đều nắm được thông tin liên quan đến công tác quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh thông qua sàn.

Tại khoản 4 Điều 151 Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019 quy định: “Căn cứ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, Chính phủ quy định việc áp dụng quy định quản lý khoản thu về thuế của Luật này để quản lý thu đối với các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước và quy định về quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết của những doanh nghiệp có quan hệ liên kết.”

Về việc khai thuế thay, nộp thuế thay đã được quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; tuy nhiên, chưa có quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT như quy định tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP.

Vì vậy, để đồng bộ với quy định của pháp luật về TMĐT, nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thông qua sàn giao dịch TMĐT nhằm chống thất thu ngân sách Nhà nước, việc bổ sung quy định trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay của chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT tại Nghị định về quản lý thuế như là biện pháp điều hành của Chính phủ được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ.

Quy định trách nhiệm cung cấp thông tin

Tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP cũng đã có quy định trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, đối với các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ TMĐT là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT thì vẫn chưa có quy định rõ về nội dung thông tin phải cung cấp, hình thức và tần suất cung cấp thông tin.

Vì vậy, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thuế.

Cụ thể: “Tổ chức là chủ sở hữu sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT bao gồm: Tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn (nếu chủ sở hữu sàn không thực hiện khai thay, nộp thay thuế cho người bán).

Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hàng quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau, bằng phương thức điện tử, qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng chuẩn dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố.”

Các thông tin do chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT cung cấp được đánh giá là quan trọng và cần thiết cho công tác quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn giao dịch TMĐT. Vì vậy, để triển khai việc yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thì việc bổ sung tại Nghị định của Chính phủ quy định về nội dung thông tin phải cung cấp, hình thức và tần suất cung cấp thông tin để có sở pháp lý thực hiện thống nhất là cần thiết.

Thách thức từ thị trường tỷ USD

Để có góc nhìn toàn diện về tình hình ứng dụng TMĐT Việt Nam dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 trong bức tranh chung TMĐT toàn cầu năm 2022 cùng với các quy định pháp luật mới có hiệu lực, Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng ấn phẩm Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2022.

Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2022 đưa ra dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 16,4 tỷ USD, đánh dấu năm đầu tiên đạt cột mốc này. So với thời điểm nở rộ TMĐT tại Việt Nam năm 2015, trị giá TMĐT bán lẻ năm 2022 sẽ tăng gấp 4 lần, từ 4 tỷ USD lên hơn 16 tỷ USD. Dự báo, đến năm 2025, Việt Nam sẽ đạt mức 39 tỷ USD, đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng TMĐT trong khu vực Đông Nam Á.

Đáng lưu ý, tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội như Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Mesenger… đã tăng lên 57% vào năm 2021, so với con số 41% vào năm 2020. Số lượng doanh nghiệp có trên 50% lao động sử dụng các ứng dụng từ nhà cung cấp nước ngoài trong công việc như Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Mesenger… cũng chiếm tới 44%. Mạng xã hội được tích hợp phổ biến nhất trên website, ứng dụng TMĐT tại Việt Nam hiện nay là Facebook với 62,1% thị phần.

Những số liệu trên phần nào cho thấy bức tranh TMĐT nói chung và giao dịch xuyên biên giới nói riêng trong thời gian qua đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ ở nước ta, đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, lũy kế tính từ năm 2018 đến hết tháng 6/2022, các tổ chức như Google, Facebook, Microsoft… đã khai nộp thuế với tổng số tiền hơn 5.432 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT tại Việt Nam đã khai thay, nộp thay thuế nhà thầu gần 760 tỷ đồng, bằng 48% so với số thu năm 2021. Từ năm 2018 đến nay, tăng thu bình quân từ hoạt động kinh doanh TMĐT đạt 30%/năm, số thu bình quân đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.

Những đặc trưng của nền kinh tế số và sự phát triển nhanh chóng của nó đã mang lại tiềm năng rất lớn cho nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý thuế. Đó là những khó khăn liên quan đến việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp, việc xác định căn cứ tính thuế, phân biệt loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế, kiểm soát dòng tiền…

Tuệ Minh