Lo lắng vì sữa giả, thuốc giả "tấn công" người dân
Chiều 24/4, tại huyện Hòa Vang, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Hàng loạt vấn đề dân sinh được người dân phản ánh, trong đó nổi bật là tình trạng sữa giả, thuốc giả tràn lan và chính sách cho cán bộ không chuyên trách.

Cử tri lo ngại về tình trạng sửa giả, thuốc giả.
Tại buổi tiếp xúc, bảy lượt ý kiến cử tri được đưa ra, tập trung vào hai nhóm vấn đề chính: đề xuất xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh hàng giả trong lĩnh vực y tế, và kiến nghị xây dựng chính sách hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách sau khi kết thúc công việc.
Cử tri Phan Văn Phước (trú thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến) nêu rõ, tình trạng sữa giả, thuốc giả lưu thông gần 4 năm qua khiến người dân vô cùng lo lắng. Hệ lụy không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, người già, người bệnh, mà còn làm mất lòng tin vào thị trường.
Theo ông Phước, không ít người nổi tiếng đã tiếp tay cho hàng giả bằng cách quảng cáo tràn lan các sản phẩm không rõ nguồn gốc. "Đây là hành vi tiếp tay cho tội ác", ông nói và đề nghị Quốc hội, Chính phủ có biện pháp xử lý triệt để để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhất là những nhóm người dễ tổn thương.

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Thanh tra Sở Y tế vào cuộc vụ sửa giả, thuốc giả.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường yêu cầu thanh tra Sở Y tế vào cuộc ngay, không chờ đợi kế hoạch thường niên. Vấn đề liên quan đến tính mạng người dân cần được xử lý kịp thời, không để kéo dài gây bức xúc trong dư luận, ông nhấn mạnh.
Cán bộ không chuyên trách: Làm như chính quy, chính sách lại thiệt thòi
Cử tri Đỗ Thị Huệ cho biết, nhiều cán bộ không chuyên trách tại xã, phường phải làm việc với khối lượng công việc lớn, thậm chí cả cuối tuần. Tuy nhiên, khi kết thúc nhiệm vụ, chính sách hỗ trợ còn hạn chế, khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn.
Có người đã được đào tạo, có kinh nghiệm, gắn bó lâu năm với địa phương nhưng khi nghỉ việc lại không được hỗ trợ tương xứng, bà Huệ nói. Cử tri đề xuất cần sớm ban hành chính sách cụ thể để những cán bộ này được tiếp tục sử dụng ở vị trí phù hợp, hoặc có chế độ nghỉ việc hợp lý.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, cho biết, hiện toàn thành phố có 658 cán bộ không chuyên trách, chưa kể 2.620 người ở Quảng Nam, sau khi sáp nhập.
Chế độ dành cho nhóm cán bộ này đang được rà soát, sẽ trình Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp tới để bàn giải pháp hỗ trợ phù hợp.