Đổi mới công tác tuyển dụng công chức, bỏ quy định thi nâng ngạch

Admin
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm.

Quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, ngày 28/4 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo luật quy định về liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã.

Theo dự thảo luật, phương thức quản lý cán bộ, công chức cũng được chuyển đổi theo vị trí việc làm.

Đổi mới công tác tuyển dụng công chức, bỏ quy định thi nâng ngạch- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Media Quốc hội).

"Việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và năng lực, kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bổ nhiệm vào ngạch tương ứng với yêu cầu vị trí việc làm được giao đảm nhiệm theo năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ", Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin.

Dự thảo luật cũng đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm.

Sau khi trúng tuyển được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm trúng tuyển và không phải thực hiện chế độ tập sự.

Cơ quan soạn thảo cũng bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức.

Để đánh giá cán bộ, công chức, dự thảo quy định phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm công việc cụ thể theo yêu cầu của vị trí việc làm đang đảm nhiệm, thay vì dựa trên các tiêu chí chung, hình thức hay cảm tính.

Người đứng đầu có trách nhiệm trong quản lý, đánh giá và sử dụng công chức đúng năng lực, đúng vị trí việc làm.

Dự thảo Luật quy định việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời", trong đó cụ thể hóa yêu cầu tinh giản biên chế theo hướng thực chất; quy định về sàng lọc, loại bỏ công chức không hoàn thành nhiệm vụ, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Bổ sung các quy định về đánh giá cán bộ, công chức

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng tán thành việc sửa đổi các quy định để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã.

Việc liên thông tại thời điểm hiện nay đã đủ độ chín và là yêu cầu cấp thiết để phục vụ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp".

Đổi mới công tác tuyển dụng công chức, bỏ quy định thi nâng ngạch- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Media Quốc hội).

Đối với nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức, Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành tiếp tục giữ nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là "kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế", đề nghị hoàn thiện quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức làm căn cứ tiếp tục đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức.

Đồng thời, để có cơ chế sàng lọc, khắc phục chế độ "biên chế suốt đời", có ý kiến cho rằng cần sửa đổi các quy định về đánh giá công chức.

Song, có ý kiến đề nghị cần đổi mới mạnh mẽ hơn theo hướng chuyển hoàn toàn sang quản lý theo vị trí việc làm, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện trả lương theo vị trí việc làm.

Ủy ban cho rằng quy định của dự thảo Luật về đánh giá cán bộ, công chức cơ bản kế thừa quy định của Luật hiện hành, chưa có giải pháp đột phá để khắc phục một trong những hạn chế phổ biến trong công tác đánh giá cán bộ, công chức thời gian qua.

Sửa các quy định để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh

Các hạn chế đó là còn hình thức, cảm tính, chưa thực chất, tâm lý nể nang, dĩ hòa vi quý dẫn tới việc đánh giá xếp loại công chức chưa phản ánh đúng thực chất.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định về đánh giá cán bộ, công chức để khắc phục hạn chế này.

Giải trình làm rõ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết sẽ bổ sung thêm quy định về vị trí việc làm.

Theo Bộ trưởng, khi thiết kế vị trí việc làm, cơ quan soạn thảo xác lập rõ vị trí việc làm là trung tâm để quản lý công chức, ngạch chỉ là công cụ để phân biệt thứ, bậc, thực hiện trách nhiệm trong nền công vụ. Đồng thời, khẳng định sẽ làm rõ thêm về thẩm quyền xây dựng, phê duyệt vị trí việc làm.