Hà Nội ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược có vốn đầu tư cao

Admin
(PNTĐ) - Chiều 9/7, tại Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà nội đã thông qua nghị quyết quy định chi tiết khoản 1, 2 Điều 42 Luật Thủ đô về thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Tin liên quan

Hà Nội sẽ họp tháo gỡ các vướng mắc dự án Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn

Cần giao rõ trách nhiệm cho UBND xã, phường kiên quyết xử lý hàng rong ở cổng trường

Hà Nội chuẩn bị công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh trong năm học 2025-2026

Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2024 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã quy định về thu hút nhà đầu tư chiến lược tại Điều 42; quy định về cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược tại khoản 5 Điều 43.

Hà Nội ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược có vốn đầu tư cao - ảnh 1
Các đại biểu nhấn nút biểu quyết.

Trong đó, tại khoản 7 Điều 42 quy định: "HĐND Thành phố (TP) quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô. Tại điểm d khoản 5 Điều 43 quy định: Ưu đãi, hỗ trợ khác do HĐND TP quyết định để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong thu hút nhà đầu tư chiến lược".

TP Hà Nội đặt mục tiêu trở thành một Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", đi đầu trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ. Để đạt được mục tiêu này, Thành phố cần những nguồn lực lớn, đặc biệt là từ các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến.

Với lợi thế là Thủ đô của cả nước, Hà Nội sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế để thu hút nhà đầu tư chiến lược. Luật Thủ đô năm 2024 đã tạo ra cơ sở vững chắc cho việc thu hút nhà đầu tư chiến lược, trong đó, khoản 1 Điều 42 quy định danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Điều này định hướng rõ ràng các lĩnh vực mà Thủ đô muốn tập trung thu hút đầu tư, đảm bảo nguồn lực được sử dụng hiệu quả, đúng trọng tâm.

Khoản 2 Điều 42 quy định điều kiện của nhà đầu tư chiến lược. Quy định này đưa ra các tiêu chí cụ thể về năng lực tài chính, công nghệ, kinh nghiệm và các cam kết (đào tạo, nội địa hóa, thực hiện dự án đúng mục tiêu).

Điều này giúp cho TP Hà Nội lựa chọn được những nhà đầu tư thực sự có chất lượng, tránh tình trạng đầu tư "ảo" hoặc không hiệu quả. Việc quy định rõ ràng các điều kiện này cũng tạo cơ sở để xây dựng các tiêu chí sàng lọc, đánh giá và giám sát nhà đầu tư một cách chặt chẽ.

Việc xây dựng Nghị quyết trên cơ sở thực tiễn này sẽ giúp cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và hấp dẫn hơn để Hà Nội thu hút các nhà đầu tư chiến lược, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" và dẫn dắt sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Để có cơ sở triển khai thực hiện, việc xây dựng Nghị quyết của HĐND Thành phố thực hiện khoản 7 Điều 42 Luật Thủ đô, trong đó quy định chi tiết đối với khoản 1, khoản 2 Điều 42 và việc triển khai thực hiện điểm d khoản 5 Điều 43 Luật Thủ đô về thu hút nhà đầu tư chiến lược là rất cần thiết…

Sau khi xem xét, thảo luận, HĐND TP nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố, việc UBND Thành phố trình HĐND Thành phố xây dựng nghị quyết thu hút nhà đầu tư chiến lược phù hợp với khoản 1, khoản 2 và khoản 7 Điều 42 Luật Thủ đô và đúng thẩm quyền.

Giao UBND Thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết. Trong quá trình xem xét đề xuất dự án, UBND Thành phố trình HĐND Thành phố quyết định ưu đãi, hỗ trợ khác phù hợp để đáp ứng yêu cầu cần thiết trong thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Thường trực HĐND Thành phố, các Ban HĐND Thành phố, các Tổ đại biểu và các đại biểu HĐND Thành phố giám sát thực hiện Nghị quyết. MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 2, quy định danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Thủ đô như sau:

1. Đầu tư xây dựng đô thị vệ tinh; phát triển đường sắt đô thị, giao thông công cộng khối lượng lớn nội vùng và liên vùng; phát triển khu công nghệ cao có quy mô vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên.

2. Xử lý ô nhiễm môi trường có quy mô vốn đầu tư từ 12.000 tỷ đồng trở lên.

3. Công nghiệp chế tạo, sản xuất mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip bán dẫn, pin công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo có quy mô vốn đầu tư từ 15.000 tỷ đồng trở lên; phát triển và chế tạo hệ thống đầu máy, toa xe, thông tin tín hiệu, điều khiển đường sắt, điều khiển giao thông đô thị, thành phố thông minh có quy mô vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên.

4. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên.

5. Phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên;

6. Nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hoá, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng sạch có quy mô đầu tư từ 500 tỷ đồng trở lên.