“Hồi sinh” sông Tô Lịch thành công viên văn hóa

Hoàng Huyền
Bảo tàng ngoài trời lớn nhất Việt Nam, điểm du lịch văn hoá thu hút, nơi có thể ngắm nhìn tinh hoa văn hiến Thăng Long hàng ngàn năm… tất cả ở ngay sông Tô Lịch. Giấc mơ ấy được cụ thể hoá trong Hội thảo quốc gia về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử văn hoá tâm linh do UBND TP Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) chủ trì tổ chức ngày 7/7 vừa qua.

cai-tao-song-to-lich-thanh-cong-vien-lich-su-van-hoa-tam-linh1-dulichgiaitri-van-hoa-1657880873.png
Phối cảnh Công viên văn hóa của dự án Ảnh: ĐVTC

Một dự án đồ sộ, nhiều tham vọng 

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) - đơn vị đề xuất dự án, cho biết, dự án với 2 hợp phần chính, gồm: Hợp phần thứ nhất là hệ thống đường cao tốc ngầm hoạt động 2 chiều riêng biệt kết nối vào ra tại các điểm nút giao thông huyết mạch của Thủ đô. Hệ thống chống ngập khổng lồ bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới cao tốc ngầm) và bể điều áp khổng lồ. Hợp phần thứ 2 là công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch nằm ở phía bên trên. Kết hợp với đó là các cầu mái vòm nối hai bờ sông với độ cong mái phù hợp để thuyền rồng chở khách du lịch có thể qua lại bên dưới thuận lợi, dễ dàng. Các thiết chế văn hóa bên trên mặt sông sẽ tái hiện không gian lịch sử của 18 thời/thời đại/triều đại lịch sử; khu phù điêu; khu thực thể; khu tượng đài; khu văn bia; khu “quảng trường Thăng Long tứ trấn”, “quảng trường Tứ bất tử”, khu sa bàn… Trong đó có khu không gian văn hóa Nhật Bản gồm vườn Nhật Bản, cá Koi, cổng trời Torri, mô hình một số di sản thế giới đặc sắc của Nhật Bản.

Ngoài ra, dự án sẽ giải quyết dứt điểm mùi hôi thối và các nguồn gây ô nhiễm cả trong và ngoài sông; góp phần giải quyết tình trạng ngập úng của Hà Nội và vấn đề giao thông đô thị... Được biết, dự án sẽ được triển khai với kinh phí từ nguồn vốn vay ưu đãi ODA của Chính phủ Nhật Bản.

Để củng cố thêm niềm tin vào dự án, những người thực hiện đã lấy ví dụ về các công trình tương tự tại Hàn Quốc và châu Âu sau cải tạo trở thành điểm du lịch hấp dẫn để thuyết phục công chúng và giới khoa học.

Đứng trước những băn khoăn của chuyên gia và người dân Hà Nội, phía đơn vị đề xuất dự án tự tin đặt mục tiêu thời gian dự kiến triển khai vào tháng 9/2023 - mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Đến năm 2030, đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm ở phía dưới và các thiết kế văn hóa trên sông. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) - đơn vị đề xuất thực hiện dự án cũng cam kết nói “không” với những nghi ngại về việc dự án có thể làm thay đổi, biến dạng sông Tô Lịch và gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Đây không phải dự án hoàn toàn mới, mà là sự khẳng định một lần nữa tính khả thi của dự án cũng như khát vọng của đơn vị xây dựng dự án đối với việc cải tạo, phát huy tiềm năng của sông Tô Lịch. Trước đó, tháng 9/2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh" bằng nguồn vốn Nhật Bản.

Năm 2021, ý tưởng này được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Giải thưởng Bùi Xuân Phái đã ghi nhận, dự án là giấc mơ lớn cho cả thành phố Hà Nội chứ không riêng cho gần 15km sông Tô Lịch. Giải thưởng cũng đánh giá đây là đề xuất táo bạo khi đặt ra việc giải quyết toàn bộ những vấn đề này bằng các giải pháp đồng bộ của mình.

Điểm nhấn quan trọng trong đề xuất của JVE là việc xây dựng một hệ thống hầm ngầm chống ngập khổng lồ ở khu vực cạnh sông Tô Lịch, bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước, bể điều áp khổng lồ. Theo đó, vào mùa mưa, hệ thống này có vai trò tiêu thoát, tích trữ nước, đồng thời bơm xả nước ra sông Nhuệ khi mưa bão qua đi (mực nước sông Nhuệ xuống thấp).

Vẫn còn đó nhiều băn khoăn

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều nghi ngại về tính khả thi của dự án. Theo các chuyên gia Nhật Bản, để dự án thành công như kỳ vọng cần phải có giải pháp tổng thể để giải quyết các vấn đề xung quanh nó như: Thu gom nước thải, cấp nước bổ sung sau khi thu gom nước thải, xử lý mùi hôi thối, xử lý tầng bùn đáy. Sau đó mới có thể tiến hành xây dựng bảo tàng, công viên văn hóa tâm linh và các công trình như đã định.

cai-tao-song-to-lich-thanh-cong-vien-lich-su-van-hoa-tam-linh2-dulichgiaitri-van-hoa-1657880907.jpg
Quang cảnh hội thảo quốc gia về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử văn hóa tâm linh- ảnh: ĐV

Đồng quan điểm đó, TS Đào Trọng Tứ (cố vấn mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho rằng, các ý tưởng hồi sinh sông Tô Lịch đều đáng khích lệ. Tuy nhiên, làm được hay không thì còn nhiều khó khăn thách thức. Trong đó, đặc biệt phải chú ý đến việc cân bằng lợi ích các bên bao gồm nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, KTS. Đào Ngọc Nghiêm cũng đánh giá cao ý tưởng, nhưng cho rằng chưa nên bàn vội về ý tưởng xây đường cao tốc ngầm và hầm chống ngập dọc sông Tô Lịch, mà trước đó cần xác định mục tiêu và nguồn vốn cụ thể, đồng thời cần có sự kết nối sông Tô Lịch với các sông hồ khác để tăng khả năng thoát nước, giải quyết vấn đề úng ngập.

Nói về nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản để có thể triển khai dự án này, ông Hoàng Tiến (quận Ba Đình), đại diện phía nhân dân nêu ý kiến: “Nếu dự án thực hiện được như kế hoạch thì đáng mừng quá. Như thế, người dân sẽ rất được nhờ. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi là không hề dễ dàng. Nguồn vốn ấy sẽ vay như thế nào, bao nhiêu và ai là người chịu trách nhiệm? Câu chuyện xã hội hóa làm đẹp Thủ đô cũng đã có những ghi nhận như dự án đường tranh gốm của họa sỹ Bùi Thu Thủy. Nhưng hồi sinh và biến sông Tô Lịch thành công viên văn hóa, tâm linh lại là câu chuyện hoàn toàn khác”. Chưa kể cùng với đó, nhiều người cũng bày tỏ nỗi lo nếu dự án thực hiện chậm tiến độ, nơi đây sẽ là “đại công trường” trong nhiều năm, rất mất mỹ quan.

Tuy nhiên, PGS. TS Phạm Ngọc Trung lại đặt vấn đề lo ngại nếu không xử lý tốt, sau này, sông sẽ thành một kênh nổi, không có sự tồn tại của các loài thủy sinh. Ông cũng băn khoăn về nguồn kinh phí để bảo trì, trùng tu dự án sau khi hoàn thành sẽ được lấy từ đâu. “Cho nên, trước khi tiến hành, các cơ quan thẩm quyền (TP Hà Nội) cần có nhận định, bàn bạc kỹ lưỡng và có cái nhìn tổng thể, tránh nhiệm kỳ sau phải xử lý vấn đề của nhiệm kỳ trước” - PGS Phạm Ngọc Trung nói.

Dẫu sao, với lời hứa sẽ triển khai vào tháng 9/2023, người dân Thủ đô vẫn kỳ vọng vào sự thành công của dự án đồ sộ và nhiều ý nghĩa này, như nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn khi tham gia hội thảo đã nói rất chờ ngóng đến năm 2030 để thấy diện mạo mới của Hà Nội từ sự “lột xác” của sông Tô Lịch.

Nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Lê Thái Bình, Giám đốc Trung tâm dưỡng sinh Thiền Việt cũng bày tỏ: “Đây là một dự án lớn tầm cỡ mang tính văn hóa truyền thống, tâm linh của Hà Nội. Dòng sông Tô Lịch là một dòng sông văn hóa có lịch sử lâu đời mang dấu ấn của các triều đại Việt Nam. Theo phong thủy thì sông Tô Lịch là một nhánh của sông Hồng, ôm trọn kinh thành Thăng Long, tạo ra sinh khí mạnh mẽ đem lại sự phát triển thịnh vượng cho mảnh đất này. Chính vì lẽ đó mà từ xưa qua các triều đại việc trị thủy và phát triển con sông này hết sức quan trọng. Bởi vậy, nếu dự án này thành công không chỉ hồi sinh dòng sông Tô Lịch mà còn góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, làm trong sạch lại dòng sông, kiến tạo, tái hiện lại không gian văn hóa lịch sử truyền thống của kinh đô Thăng Long xưa trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu, đánh thức những giá trị văn hóa của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang ngủ yên... Là người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung, tôi tin ai cũng mong chờ sự “hồi sinh” của dòng sông này”.

Làm sống lại “dòng sông chết” giữa Thủ đô

Bên cạnh việc tập trung vào thảo luận giải pháp cho công trình văn hóa thế kỷ, biểu tượng của truyền thống ngàn năm và công nghệ hiện đại, trên sông Tô Lịch, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết thêm, thành phố đã giao cho các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tìm ra giải pháp làm “sống” lại các sông nội đô vốn đã báo động về tình trạng ô nhiễm và chứa nước thải sinh hoạt, và là “những dòng sông chết” như dân gian vẫn hay gọi. Cho đến nay, thành phố chưa có giải pháp mang tính toàn diện để khắc phục, xử lý hiệu quả, triệt để. Do vậy, công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết, phát triển đô thị đặt ra nhiệm vụ cấp thiết là phục hồi, “làm sống lại sông Tô, Kim Ngưu, Lừ, Sét”.

cai-tao-song-to-lich-thanh-cong-vien-lich-su-van-hoa-tam-linh3-dulichgiaitri-van-hoa-1657880946.png
 

Ông Tuấn cho biết thêm, hiện tại, thành phố đã giao các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát tổng thể các nội dung về quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (quy hoạch thoát nước) được tích hợp trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) dọc hai bên sông Tô - Kim Ngưu - Lừ - Sét, trong đó gắn với định hướng giải pháp môi trường, cảnh quan, giao thông, lịch sử văn hóa, thoát nước, xử lý nước thải…

Như vậy, nếu tất cả những kế hoạch trên được thực hiện một cách đồng bộ, Hà Nội sẽ có một diện mạo mới, thực sự đáng sống và là điểm đến hấp dẫn. Và, giữa một đô thị phát triển, sôi động, không khó khăn để có những bến thuyền nhộn nhịp trên các dòng sông nội đô như từng ghi trong sử sách.

VŨ KHÁNH ĐÀO