Lo ngại lộ, lọt thông tin khi coi căn cước công dân là chiếc 'thẻ vạn năng'

Hoàng Huyền
Ngày 23/8, Bộ Tư pháp họp thẩm định dự án Luật Căn cước công dân sửa đổi. Đa số các ý kiến nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật nhưng cũng bày tỏ lo ngại nếu thông tin bảo mật bị lộ, lọt ra ngoài khi căn cước công dân (CCCD) được tích hợp nhiều thông tin về nhân thân của công dân.

lo-ngai-lo-lot-thong-tin-khi-coi-can-cuoc-cong-dan-la-chiec-the-van-nang-dulichgiaitri-doi-song-1661260113.jpg
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định phát biểu tại cuộc họp thẩm định về Luật CCCD sửa đổi - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tích hợp nhiều loại giấy tờ vào CCCD

Theo Bộ Công an, cơ quan chủ trì soạn thảo, bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật CCCD năm 2014 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để sửa đổi, bổ sung, cụ thể như sau:

Hiện nay, công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như thẻ CCCD, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy phép lái xe, thẻ học sinh, sinh viên, thẻ hội viên, thẻ hành nghề... Việc có quá nhiều loại giấy tờ khác nhau được cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong lưu trữ, sử dụng, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta.

Theo quy định tại Điều 9, Điều 15 Luật CCCD (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 37 Luật Cư trú năm 2020), thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu CCCD chỉ bao gồm một số nhóm thông tin. Tuy nhiên, qua triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu CCCD là rất cần thiết; trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ CCCD, định danh điện tử, kết nối, chia sẻ, chứng thực dữ liệu công dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư. Do vậy, việc giới hạn các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu CCCD theo quy định tại Điều 9, Điều 15 Luật CCCD sẽ gây khó khăn nhất định khi triển khai Đề án, thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Luật CCCD là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, quy định việc chuyển đổi từ cấp, sử dụng chứng minh nhân dân sang cấp, sử dụng bằng thẻ CCCD; tuy nhiên, nhiều cơ quan, tổ chức đã yêu cầu công dân bắt buộc phải thực hiện các thủ tục để cập nhật, điều chỉnh lại thông tin trên giấy tờ, tài liệu đã cấp trước đây cho công dân (có thông tin về chứng minh nhân dân) bằng thông tin về thẻ CCCD (như trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng...) gây khó khăn, phiền hà cho công dân. Do vậy, cần bổ sung vào Luật CCCD quy định chuyển tiếp để bảo đảm việc sử dụng, thay thế từ chứng minh nhân dân sang thẻ CCCD của công dân được thuận lợi hơn; hạn chế phát sinh các thủ tục khác.

Vì thế, việc sửa đổi Luật CCCD là cần thiết, nhằm giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; hoàn thiện hệ sinh thái kết nối, khai thác, bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Quy định rõ thông tin nào là tự nguyện, thông tin nào bắt buộc tích hợp trong CCCD

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi sửa đổi Luật CCCD là bổ sung quy định về việc tích hợp các thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân vào thẻ CCCD như: Thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành sau khi thống nhất với Bộ Công an.

Đại diện Bộ Y tế đề nghị làm rõ tiêu chí để tích hợp thông tin vào thẻ CCCD, thông tin nào bắt buộc, thông tin nào công dân tự nguyện tích hợp. Còn đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cần rà soát để tránh trùng lắp với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành liên quan.

Bày tỏ lo ngại khi tích hợp nhiều thông tin vào thẻ CCCD, ông Phạm Ngọc Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quốc phòng an ninh (Văn phòng Quốc hội) cho rằng, tiện ích càng nhiều thì rủi ro càng lớn. Theo ông Hải, thẻ CCCD chỉ là hình thức thể hiện, là chìa khóa để đi vào kho dữ liệu, cốt lõi vẫn là xây dựng, khai thác, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về CCCD.

Về việc bổ sung một số trường thông tin vào cơ sở dữ liệu CCCD gồm: Thông tin sinh trắc học (mống mắt, ADN, giọng nói); thông tin về người gốc Việt Nam; tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam (có hoặc không có), đại diện Bộ Quốc phòng băn khoăn việc bổ sung thông tin sinh trắc học có khả thi hay không? Ví dụ như việc xác định ADN thân nhân liệt sĩ cực kỳ vất vả, tốn thời gian, cần đầu tư nguồn nhân lực, vật lực, kỹ thuật, con người… để xử lý vấn đề này.

Về giọng nói, đại diện Bộ Quốc phòng và Bộ Khoa học và Công nghệ đều cho rằng mỗi vùng miền đều có phương ngữ riêng, giọng nói của một người có nhiều thay đổi theo thời gian, tuổi tác, thậm chí một người có thể nói được nhiều giọng khác nhau. Vậy làm thế nào để có thể nhận diện giọng nói của cùng một người?

Liên quan tới quy định về quản lý, cấp thẻ CCCD cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi, đại diện Bộ Y tế cho rằng, nếu cấp CCCD cho đối tượng này cần có các thông tin về sinh trắc học, phát sinh thủ tục cho cha mẹ, người giám hộ. Trong khi đó, trẻ dưới 14 tuổi còn thay đổi về nhiều mặt, do vậy cấp mã số định danh cá nhân sẽ phù hợp hơn.

Bày tỏ đồng tình, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) nhấn mạnh, đối với trẻ em dưới 14 tuổi, chỉ cần cấp mã số định danh là trẻ có thể hưởng toàn bộ tiện ích. Khi trẻ trên 14 tuổi, sinh trắc học, lai lịch ổn định mới cần thiết làm CCCD. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá lợi ích khi cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi.

Lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung và nêu rõ trong Tờ trình về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, báo cáo rà soát về pháp luật trong quá trình sửa đổi luật này, những vướng mắc cụ thể...

Dự thảo Luật mới chỉ tập trung sửa đổi liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chứ chưa sửa đổi nhiều nội dung về thẻ CCCD. Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách; nêu cụ thể những nội dung cần sửa đổi; rà soát kỹ lưỡng, toàn diện các quy định để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật.

Tính đến thời điểm ngày 16/7/2022, Bộ Công an đã tiến hành cấp hơn 98 triệu số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc; đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia; tiến hành cấp được hơn 67 triệu thẻ CCCD gắn chíp (bao gồm cả trường hợp cấp lần đầu và cấp đổi, cấp lại).

Lê Sơn