Nâng hạng chứng khoán Việt Nam: 7 năm chuẩn bị cho cú hích tỷ USD

Admin
Năm 2025 có thể sẽ là thời điểm đánh dấu bước ngoặt lớn với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi mọi nền tảng cần thiết cho việc nâng hạng đang dần được hoàn thiện.

Việt Nam trên lộ trình trở thành thị trường mới nổi

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một hành trình hơn hai thập kỷ hình thành và phát triển, trong đó mục tiêu nâng hạng từ thị trường “cận biên” lên thị trường “mới nổi” là một định hướng quan trọng, thể hiện quyết tâm cải cách và hội nhập sâu rộng vào thị trường tài chính toàn cầu.

Cột mốc đầu tiên đánh dấu việc Việt Nam chính thức được các tổ chức xếp hạng quốc tế quan tâm là vào tháng 9/2018, khi FTSE Russell lần đầu tiên đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng (watchlist) từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market).

Trong bản đánh giá đó, FTSE ghi nhận nhiều cải tiến tích cực của Việt Nam về mặt pháp lý, quản lý thị trường và cải thiện tính minh bạch, nhưng đồng thời cũng nêu rõ những tồn tại cần khắc phục như hạn chế trong quyền tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, rào cản về sở hữu và hệ thống thanh toán - bù trừ chưa đáp ứng được chuẩn mực quốc tế.

Nâng hạng chứng khoán Việt Nam: 7 năm chuẩn bị cho cú hích tỷ USD- Ảnh 1.

Tháng 9/2018, FTSE Russell lần đầu tiên đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp.

Đến năm 2019, MSCI - tổ chức xếp hạng có ảnh hưởng lớn nhất đến dòng vốn đầu tư toàn cầu cũng nhắc đến Việt Nam trong báo cáo đánh giá thị trường. Tuy chưa đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng, nhưng đã đánh giá cao tiềm năng nâng hạng nếu Việt Nam giải quyết được các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu nước ngoài và hệ thống giao dịch.

Từ năm 2020 đến 2022, Chính phủ Việt Nam thể hiện rõ định hướng nâng hạng thông qua các văn bản chiến lược như Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021 - 2030. Giai đoạn này, các nỗ lực cải cách được tăng tốc như thúc đẩy sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán nhằm thống nhất các quy định liên quan đến giới hạn sở hữu nước ngoài (foreign ownership limit – FOL), đồng thời nghiên cứu cơ chế nới room và tách quyền biểu quyết khỏi tỉ lệ sở hữu cổ phần.

Một cột mốc kỹ thuật quan trọng là vào tháng 8/2022, khi Việt Nam chính thức rút ngắn chu kỳ thanh toán từ T+3 xuống T+2, tiến gần hơn đến chuẩn mực giao dịch quốc tế. Đây là một trong những yêu cầu thiết yếu từ cả MSCI và FTSE nhằm giảm rủi ro thanh toán và tăng tính hiệu quả cho dòng vốn ngoại.

Bên cạnh cải cách kỹ thuật, Việt Nam cũng chủ động thúc đẩy minh bạch thông tin doanh nghiệp niêm yết, triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong công bố thông tin và nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.

Số lượng tài khoản chứng khoán cá nhân tăng mạnh, đạt mốc hơn 9,7 triệu vào cuối tháng 3/2025, cho thấy sự mở rộng nhanh chóng của nền tảng nhà đầu tư trong nước - một điểm cộng lớn trong đánh giá mức độ phát triển thị trường.

Bước sang năm 2025, thị trường kỳ vọng sẽ có sự thay đổi mang tính quyết định nếu Việt Nam hoàn tất việc triển khai hệ thống KRX, từng bước nới room nước ngoài, và cải thiện các quy định liên quan đến quyền của nhà đầu tư nước ngoài. Dự kiến nếu được FTSE Russell nâng hạng, Việt Nam có thể thu hút dòng vốn thụ động đến 6 tỷ USD.

99,99% sẽ được nâng hạng trong năm 2025

Để thị trường Việt Nam sau khi được nâng hạng có khả năng thu hút thêm dòng vốn lớn, Phó Tổng Giám đốc Điều Hành Tập đoàn VinaCapital Nguyễn Thị Diệu Phương cho rằng vai trò của đầu tư tư nhân là hết sức quan trọng trong việc phát triển các doanh nghiệp chất lượng và có quy mô lớn.

Trước hết, đầu tư tư nhân giúp các doanh nghiệp địa phương cải thiện năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động. Không chỉ cung cấp vốn, nhà đầu tư còn đồng hành với doanh nghiệp trong việc thiết lập hệ thống quản trị minh bạch, kiểm soát tài chính chặt chẽ và tối ưu hóa quy trình. Đây là những yếu tố rất cần thiết để nâng cao chất lượng doanh nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường vốn quốc tế và thu hút các nhà đầu tư lớn.

Nâng hạng chứng khoán Việt Nam: 7 năm chuẩn bị cho cú hích tỷ USD- Ảnh 2.

Phó Tổng Giám đốc Điều Hành Tập đoàn VinaCapital Nguyễn Thị Diệu Phương.

“Đầu tư tư nhân có khả năng thúc đẩy sự hợp nhất và mở rộng quy mô doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ, y tế, tài chính và sản xuất. Thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập hoặc mở rộng quy mô, các nhà đầu tư tư nhân giúp hình thành các doanh nghiệp lớn hơn, cạnh tranh hơn”, lãnh đạo Vinacapital nhận định.

Bà Phương đánh giá, những doanh nghiệp này sẽ có vị thế tốt hơn để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút thêm vốn đầu tư và đạt được vị trí dẫn đầu trong ngành, khi các doanh nghiệp này được niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ tạo ra một lượng hàng hóa có chất lượng, góp phần tăng quy mô thị trường.

Ngoài ra, với triển vọng nâng hạng thị trường, đầu tư tư nhân có thể đóng vai trò như một cầu nối giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận mạng lưới nhà đầu tư quốc tế nhiều hơn, mở rộng tầm nhìn và thực hiện các tiêu chuẩn bền vững về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG). Điều này không chỉ tạo sức hút cho dòng vốn đầu tư nước ngoài, mà còn giúp doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu uy tín, đảm bảo sức cạnh tranh trong dài hạn.

Thứ trưởng Tài chính nói về triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán vào tháng 9

Còn ông Nguyễn Đức Hoàn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi FTSE trong năm 2025, dự kiến vào tháng 9 là một sự kiện trọng yếu giúp thu hút dòng tiền của khối ngoại khoảng 300 - 400 triệu USD dòng vốn ETF và các dòng vốn chủ động khác.

Dòng vốn này tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cộng với nền tảng kinh tế vĩ mô tích cực từ đó sẽ giúp VN-Index bứt phá tăng điểm.

Trong năm 2025, ACBS kỳ vọng tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ đạt mức 15-16%, trong đó ngành ngân hàng sẽ đạt khoảng 14,9% mặc dù tăng trưởng tín dụng vẫn tích cực nhưng NIM sẽ thu hẹp để duy trì đà tăng trưởng.

Chuyên gia này dự báo các cổ phiếu xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, cảng biển, bất động sản dân dụng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng hơn.

Đến nay đã 7 năm kể từ khi Việt Nam được vào danh sách “watch list” thị trường chứng khoán mới nổi của FTSE. Tuy nhiên, phải tới cuối năm 2024, khi Bộ Tài chính ban hành xong Thông tư 68 tháo gỡ khó cho điều kiện Non-prefunding đối với nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài, thì mới thực sự hoàn thiện các nền tảng cho việc nâng hạng.

Vì vậy, ông Hoàn cho biết sự kiện nâng hạng có thể coi là một sự kiện chắc chắn tới 99,99% trong năm 2025.

Thông thường, kỳ review tháng 3 hàng năm thường để nhìn nhận lại tiến độ đáp ứng các chỉ tiêu nâng hạng, thay vì các quyết định chính thức nâng hạng vào tháng 9. Và như vậy thì để cổ phiếu Việt Nam chính thức được đưa vào danh mục ETF sẽ là tháng 3/2026.

Bước đệm lan tỏa tinh thần kinh doanh công bằng – minh bạch

Theo ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán không chỉ thúc đẩy kinh doanh mà còn lan tỏa tinh thần kinh doanh công bằng và minh bạch.

Sự hiện diện của nhiều tập đoàn tư nhân lớn cũng là minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của thị trường này. Ông Hải cho rằng, nếu không có thị trường chứng khoán, nhiều tập đoàn lớn hiện nay khó có thể phát triển chỉ dựa vào năng lực nội tại và nguồn vốn ngân hàng.

Nâng hạng chứng khoán Việt Nam: 7 năm chuẩn bị cho cú hích tỷ USD- Ảnh 3.

Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ông Hải cho biết, mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã có một số tiêu chí gần đạt được, như tỉ lệ vốn hóa/GDP và số lượng nhà đầu tư. Dù tỉ lệ vốn hóa/GDP hiện giảm so với các năm trước, nhưng mức vốn hóa thị trường tăng mạnh, đạt khoảng 300 tỷ USD và số lượng nhà đầu tư lên tới hơn 9 triệu người.

Năm 2025, một trong những mục tiêu quan trọng là nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Việc này không chỉ mở ra nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán mà còn góp phần nâng cao hình ảnh và môi trường đầu tư của Việt Nam.

“Trong quá trình tiến hành các giải pháp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước luôn trao đổi trực tiếp với nhà đầu tư và tổ chức quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhận được đánh giá tích cực của các nhà đầu tư có tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam và các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Phần lớn các giải pháp đều đã nhận được sự đồng thuận”, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay.