Hành trình đặc biệt "lên rừng - xuống biển"
Chiều 9/7, tại buổi thảo luận nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Ngành Du lịch Việt Nam do Gia Lai tổ chức, ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai (cũ), nhấn mạnh về hệ sinh thái du lịch độc đáo hiếm có của tỉnh mới.
Theo ông Thành, du khách đến Gia Lai mới có thể trải nghiệm hành trình đầy thú vị từ du lịch biển nghỉ dưỡng tại Quy Nhơn, Kỳ Co - Eo Gió, rồi chuyển mình khám phá du lịch sinh thái, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đại ngàn Kon Ka Kinh hay Biển Hồ thơ mộng.
Tương tự, ông Nguyễn Phạm Kiên Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định (cũ) cho hay, điều đáng chú ý là sự bù trừ hoàn hảo về thời vụ du lịch. Khi mùa hè là cao điểm du lịch biển tại Bình Định, thì đây lại là mùa thấp điểm của khu vực Gia Lai cũ do mùa mưa.
Ngược lại, mùa khô từ tháng 10-12 là cao điểm du lịch Gia Lai (cũ) nhưng lại là mùa thấp điểm ở vùng biển. "Lợi thế này cho phép tỉnh Gia Lai mới khai thác tối đa tiềm năng du lịch quanh năm. Quan trọng là tạo ra sản phẩm du lịch mới để du khách trải nghiệm và giữ được "sức hút"", ông Trung nhấn mạnh.

Bà Đỗ Diệu Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thu Dịu
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhìn nhận, không chỉ thu hút bằng cảnh quan thiên nhiên, Gia Lai mới còn sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú. Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, di tích tháp Chăm, nghề chằm nón ngựa Phú Gia, Lễ hội Chùa Bà – Nước Mặn đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sự đa dạng của vườn quốc gia Kon Ka Kinh là một điểm hấp dẫn cho tour du lịch "rừng biển" của tỉnh Gia Lai mới. Ảnh: Kiến Văn

Trong khi đó, Bình Định cũ bên cạnh thế mạnh về du lịch biển là các không gian di tích lịch sử và văn hóa. Ảnh: Thu Dịu
Đặc biệt, tỉnh đang triển khai Đề án thí điểm cho thuê dịch vụ gắn với phát huy giá trị di tích Tháp Đôi và Tháp Bánh Ít giai đoạn 2025-2028, hứa hẹn tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo.
Định vị thương hiệu "Gia Lai - nơi rừng và biển gặp nhau"
Cùng với việc kiến tạo sản phẩm du lịch mới thì việc truyền thông thương hiệu du lịch Gia Lai với sự kết hợp của rừng – biển là vấn đề được các đại biểu, chuyên gia và doanh nghiệp du lịch quan tâm.

Không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai. Ảnh: Kiến Văn
"Tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tỉnh Gia Lai mới đã được bày ra trước mặt. Việc cần thiết là xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng và cạnh tranh", ông Nguyễn Tấn Thành nhấn mạnh. Ông đề xuất xây dựng bộ nhận diện thương hiệu "Gia Lai – Nơi rừng và biển gặp nhau" hoặc "Gia Lai – Một hành trình hai hệ sinh thái rừng & biển".

Các sản phẩm du lịch mới cần được định vị lại để tạo nhận diện cho du khách, đó là sự kết hợp hài hòa giữa rừng - biển. Ảnh: Thu Dịu
Trong khi đó, ông Nguyễn Phạm Kiên Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch tỉnh Bình Định (cũ) cũng chia sẻ quan điểm tương tự: "Cần nghiên cứu kết hợp phát triển sản phẩm đặc trưng bao hàm tài nguyên chung có cả rừng và biển, như các tour lên rừng - xuống biển với sản phẩm kết nối đa dạng về thời gian và loại hình".
Theo ông Trung, Hiệp hội Du lịch cũng sẽ sớm tổ chức các cuộc Famtrip và gặp gỡ doanh nghiệp du lịch để trao đổi, hợp tác kinh doanh, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch Gia Lai mới.
"Việc tạo ra sản phẩm du lịch mang dấu ấn rừng biển hứa hẹn đưa đến trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Vấn đề đặt ra là tính kết nối các sản phẩm trong suốt hành trình, và quan trọng hơn là phải có những câu chuyện hay, trải nghiệm thú vị để khách quay trở lại", ông Phạm Hoàng Trực, Giám đốc Công ty Gotour Travel Quy Nhơn chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp tham gia đã có gợi mở để ngành du lịch Gia Lai sớm có sản phẩm du lịch đặc trưng. Ảnh: Thu Dịu
Mục tiêu đón hơn 18 triệu lượt khách đến năm 2030
Theo bà Hạnh, ngành du lịch Gia Lai đặt ra kỳ vọng lớn sau hợp nhất tỉnh. Theo đó, năm 2025, tỉnh phấn đấu đón 11,8 triệu lượt khách (tăng 12% so với 2024), doanh thu đạt 28.500 tỷ đồng (tăng 8%). Đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 18,5 triệu lượt khách, trong đó có 1,1 triệu lượt khách quốc tế. Du lịch được xác định là một trong năm trụ cột tăng trưởng, với định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên lợi thế biển, sinh thái núi rừng, di sản văn hóa Tây Nguyên và văn hóa Chăm.
"Để hiện thực hóa tầm nhìn này, tỉnh đã vạch ra những chiến lược cụ thể. Trước hết là hoàn thành quy hoạch chung khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya và quy hoạch chung khu du lịch Phương Mai thành khu du lịch quốc gia. Đồng thời, Gia Lai ưu tiên phát triển du lịch "xanh", tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa đặc trưng. Việc nâng cấp Ga hàng không Phù Cát và các tuyến cao tốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch quốc tế. Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu số, nâng cấp hệ thống ứng dụng du lịch như phần mềm quản lý lưu trú, ứng dụng du lịch Gia Lai, triển khai mã QR code thuyết minh tại các di tích", bà Hạnh cho hay.
