Toyota, Honda, Nissan đứng trước thách thức lớn

Admin
Toyota, hãng xe số một thế giới, bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, hơn 90% nhà máy của hãng sẽ phải chịu ít nhất một rủi ro vì sự nóng lên toàn cầu.

3 ông lớn ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản đang phải đối mặt với rủi ro lớn nhất từ biến đổi khí hậu vì phần lớn hoạt động sản xuất của họ vẫn tập trung ở đảo quốc này, theo một nghiên cứu của Greenpeace, tổ chức vì môi trường lớn nhất hành tinh.

Trong những năm tới, Toyota, Honda và Nissan sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn từ bão và lũ lụt, nhiệt độ cao và tình trạng thiếu nước do vị trí đặt nhà máy của họ. Đây là kết luận của nhóm vận động bảo vệ môi trường sau khi phân tích dữ liệu từ Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s.

Khi nói đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị, người ta thường hay nói đến những tác động của các nhà sản xuất đối với khí hậu hoặc xã hội.

Tuy nhiên, khi những thay đổi của thời tiết khiến thiên tai xảy ra thường xuyên và tác động dữ dội hơn, các nhà sản xuất ô tô sẽ phải đối mặt với “mức độ rủi ro vật chất cao” vì những thiệt hại và gián đoạn tại các cơ sở hoạt động của họ, cũng như gián đoạn trong chuỗi cung ứng, Greenpeace cho biết.

Danh sách của Greenpeace phần nào phản ánh thực tế địa lý. Ngoài các nhà máy ở châu Á, Toyota, Honda và Nissan có các cơ sở nằm rải rác khắp Nhật Bản, một quần đảo dễ bị ảnh hưởng bởi bão.

Xếp hạng các nhà sản xuất xe hơi chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu nhất bao gồm Toyota, Sling, Nissan, General Motors, và Ford.

Trong bảng xếp hạng toàn cầu của 10 công ty hàng đầu, các nhà sản xuất châu Âu (Daimler, Stellantis, Renault và Volkswagen) là những nhà sản xuất ít bị ảnh hưởng nhất.

Thế giới - Toyota, Honda, Nissan đứng trước thách thức lớn

Hạn hán nghiêm trọng ở Trung Quốc khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa. Ảnh: Daily Sabah

Báo cáo của Greenpeace nhấn mạnh rằng Toyota cần minh bạch hơn về các rủi ro khí hậu mà các nhà máy sản xuất của họ phải đối mặt và “thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để giảm lượng khí thải carbon”.

Toyota, hãng xe số một thế giới, là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, vì hơn 90% nhà máy sản xuất của hãng sẽ phải chịu ít nhất một rủi ro vì sự nóng lên toàn cầu (lũ lụt và bão, nhiệt độ cao, cháy rừng và hạn hán), nghiên cứu này chỉ ra, dựa trên dữ liệu từ của tổ chức Moody’s.

Trong tháng 8 này, Toyota và Honda cũng đã phải tạm ngừng sản xuất tại một số tỉnh của Trung Quốc do nhiệt độ quá cao, khiến Trung Quốc phải cắt điện.

Toyota đã phủ nhận kết quả của nghiên cứu, nói rằng “Toyota có kinh nghiệm vững chắc trong việc sử dụng nguồn lực để khôi phục hoạt động và sản xuất trong trường hợp thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu, động đất và hỏa hoạn, ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ nhân đạo và khôi phục sớm các khu vực bị ảnh hưởng”, công ty cho biết trong một tuyên bố.

“Vì không thể dự đoán được khi nào, ở đâu và loại thảm họa nào sẽ xảy ra ở mỗi quốc gia và khu vực”, Toyota tin rằng “điều quan trọng hơn là phải tạo ra một hệ thống toàn cầu ở cấp độ tập đoàn để giảm thiểu thiệt hại và hợp tác với các nhà cung cấp sớm nhất có thể, hơn là tiết lộ mức độ rủi ro khí hậu” mà các nhà máy của họ phải đối mặt ở mỗi quốc gia.

Trong khi đó, Nissan cho biết họ sẽ tiến hành các đánh giá dài hạn về rủi ro biến đổi khí hậu và lấy đó làm căn cứ để thiết lập chiến lược cho chuỗi cung ứng của mình. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với các bên liên quan và chủ động củng cố các hoạt động của mình”, ông Shiro Nagai, phát ngôn viên Nissan, cho biết.

Người phát ngôn của Honda từ chối bình luận về báo cáo này.

Nguyễn Tuyết (Theo Business Standard, Ground Report)