“Vang danh nghề cổ”: Khi trang sách gìn giữ tinh hoa làng nghề Việt

Admin
(PNTĐ) - Trong bối cảnh văn hóa đọc đang từng bước được khơi dậy và phát triển mạnh mẽ trở lại, bộ sách tranh truyện “Vang danh nghề cổ” do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành đã trở thành một điểm sáng đặc biệt trong dòng sách thiếu nhi Việt Nam năm 2025.

Không chỉ là một bộ sách, đây còn là một hành trình khám phá những làng nghề truyền thống - nơi tinh thần dân tộc, thẩm mỹ và lịch sử cùng hiện hữu, sống động và chân thực.

Được phát hành đúng dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025, bộ sách đã có buổi ra mắt chính thức tại Phố Sách Hà Nội vào ngày 19/4 với sự tham gia của các tác giả, họa sĩ và đông đảo phụ huynh, độc giả nhí. Trong không gian của phố sách rợp cờ hoa và sắc màu văn hóa, buổi giao lưu không chỉ giới thiệu một tác phẩm mà còn lan tỏa một thông điệp sâu sắc: sách có thể là công cụ gìn giữ văn hóa truyền thống một cách bền vững và gần gũi nhất.

“Vang danh nghề cổ”: Khi trang sách gìn giữ tinh hoa làng nghề Việt - ảnh 1
Các diễn giả tham dự chương trình.

Sách không chỉ là sản phẩm văn học, mà còn là kho tư liệu văn hóa

Với 10 tập sách, “Vang danh nghề cổ” là bộ truyện tranh - tư liệu sống động về những làng nghề tiêu biểu như: Làm giấy dó, làm gốm, đúc đồng, làm lụa, làm trống, chạm bạc, mộc Chàng Sơn, nước mắm Phú Quốc, rèn Vân Chàng, thúng chai Phú Mỹ… Mỗi tập là một câu chuyện vừa mang tính kể chuyện hấp dẫn, vừa chứa đựng lượng thông tin lịch sử, văn hóa và nghề nghiệp phong phú.

Cô bé An nhân vật chính xuyên suốt bộ sách được xây dựng như một người bạn đồng hành nhỏ tuổi cùng độc giả bước vào những chuyến phiêu lưu trên khắp đất nước. Qua góc nhìn của An, những câu chuyện tưởng chừng xa lạ với thế hệ “Gen Alpha” lại trở nên gần gũi, sinh động và đầy chất thơ.

Trong phần giao lưu tại buổi ra mắt sách, tác giả Phương Bùi chia sẻ về tâm huyết của mình: “Đầu tiên, bộ sách này có mục tiêu cung cấp thông tin chính xác về các làng nghề truyền thống cho các bạn nhỏ, từ trang phục, công cụ làm việc cho tới kiến trúc, không gian làng nghề. Việc mô tả đúng giúp sách không chỉ là sản phẩm văn học, mà còn là một kho tư liệu văn hóa”.

“Vang danh nghề cổ”: Khi trang sách gìn giữ tinh hoa làng nghề Việt - ảnh 2

Không chỉ dừng ở các yếu tố vật thể, bộ sách còn thể hiện chiều sâu văn hóa phi vật thể. Theo tác giả, sách đề cập tới lễ hội truyền thống, tục thờ tổ nghề, lịch sử hình thành các nghề, những điều tưởng chừng chỉ xuất hiện trong các văn bia, tư liệu viện bảo tàng, nay được khéo léo lồng ghép trong từng trang truyện nhẹ nhàng, gần gũi. “Chúng tôi cố gắng tạo ra một sản phẩm ‘vừa học vừa chơi’, kích thích sự tò mò và yêu thích văn hóa truyền thống từ sớm cho trẻ em. Khi các em thấy thích thú, thì việc gieo hạt mầm văn hóa trong lòng các em sẽ trở nên tự nhiên hơn bao giờ hết”, tác giả Phương Bùi nhấn mạnh.

Một ví dụ được nhóm tác giả nhắc đến là tập sách về nghề đúc đồng - một làng nghề hiện đã không còn tồn tại. Tuy nhiên, nhờ việc tái hiện lại nghề này trong truyện tranh kết hợp yếu tố xuyên không, bộ sách đã lưu giữ được những hình ảnh, ký ức quý giá mà có thể thế hệ sau này sẽ không bao giờ được chứng kiến ngoài sách vở.

“Vang danh nghề cổ”: Khi trang sách gìn giữ tinh hoa làng nghề Việt - ảnh 3
Độc giả nhí tham gia trò chơi tương tác cùng cuốn sách

Thách thức và sự sáng tạo

Bên cạnh phần nội dung được đầu tư kỹ lưỡng, phần minh họa của nhóm họa sĩ cũng góp phần tạo nên sức hút đặc biệt cho bộ sách. Tranh vẽ không chỉ đẹp mắt, sinh động mà còn thể hiện tinh thần tôn trọng tính chính xác về văn hóa.

Chia sẻ về quá trình minh họa, hoạ sĩ NGART cho biết: “Một trong những khó khăn lớn nhất là cân bằng giữa tính chính xác và sự hấp dẫn với trẻ em. Làm sao để vẽ đúng về trang phục, công cụ, kiến trúc làng nghề mà vẫn giữ được sự dễ thương, gần gũi, không quá khô khan, không biến cuốn sách thành sách giáo khoa”.

“Vang danh nghề cổ”: Khi trang sách gìn giữ tinh hoa làng nghề Việt - ảnh 4

Giải pháp được hoạ sĩ NGART đưa ra là lựa chọn phong cách minh họa “đáng yêu hóa” nhưng vẫn đảm bảo yếu tố nhận diện văn hóa rõ nét. Hình ảnh cô bé An, những bác thợ, khung cảnh làng nghề… đều được tạo hình kỹ lưỡng để vừa dễ hiểu với trẻ em, vừa có chiều sâu cho người lớn.

Đặc biệt hoạ sĩ NGART chia sẻ về thách thức khi minh họa nghề đúc đồng, một nghề không còn dấu vết thực tế: “Đây là phần khó nhất. Vì không thể tìm được tư liệu thực địa, nên nhóm phải kết hợp yếu tố xuyên không từ kịch bản, đồng thời nghiên cứu hàng loạt hình ảnh, tư liệu trên mạng, YouTube, cả những video cá nhân từ các nghệ nhân còn lưu giữ được hình ảnh nghề đúc. Mỗi chi tiết đều được lọc kỹ để tránh nhầm lẫn”.

Qua lời kể của họa sĩ, có thể thấy được mức độ kỳ công của quá trình minh họa - không chỉ là sáng tạo nghệ thuật mà còn là tái hiện văn hóa bằng hình ảnh. Dù dành cho thiếu nhi, bộ sách không hề đơn giản hóa văn hóa, mà ngược lại, là sự kết hợp giữa mỹ thuật, nghiên cứu và cảm xúc.

Để sách trở thành nơi bảo tồn di sản

Trong buổi giao lưu, nhiều độc giả đã bày tỏ sự xúc động và kỳ vọng vào việc phổ biến rộng rãi bộ sách trong trường học và thư viện công cộng. Không chỉ dành cho trẻ em, "Vang danh nghề cổ" còn khiến người lớn phải suy ngẫm về di sản của dân tộc.

“Vang danh nghề cổ”: Khi trang sách gìn giữ tinh hoa làng nghề Việt - ảnh 5

Tác giả Phương Bùi kết luận: “Chúng tôi hy vọng sách không chỉ gợi mở trí tưởng tượng cho các em nhỏ, mà còn nhắn nhủ người lớn rằng những giá trị truyền thống hoàn toàn có thể được giữ gìn bằng những cách gần gũi nhất như cha mẹ cùng con đọc một cuốn sách”.

Trong thời đại mà công nghệ và giải trí kỹ thuật số chiếm phần lớn thời gian của trẻ em, một bộ sách tranh kể chuyện về nghề truyền thống có thể không quá hào nhoáng. Nhưng chính vì vậy, nó lại có một vị trí bền bỉ hơn, âm thầm khơi dậy tình yêu, khơi nguồn trí tuệ và định hướng bản sắc.

Sự kiện ra mắt "Vang danh nghề cổ" như một mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh tổng thể của Ngày Sách và Văn hóa đọc 2025, khẳng định: văn hóa không chỉ được gìn giữ bằng các chính sách hay bảo tàng, mà hoàn toàn có thể bắt đầu ngay từ chính những trang sách giản dị dành cho trẻ em.