Việt Nam đón lượng khách quốc tế lớn

Hoàng Huyền
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8, Việt Nam đón 486,4 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 38% so với tháng trước và gấp 52,3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2022, lượng khách quốc tế đến nước ta đạt 1.441 nghìn lượt, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Trong tổng số gần 1.441 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam 8 tháng năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt 1.270,6 nghìn lượt, chiếm 88,2% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 18,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến bằng đường bộ đạt 170.000 lượt, chiếm 11,8% và gấp 4,7 lần. Khách đến bằng đường biển đạt 387 lượt, chiếm 0,03% và tăng 40,7%.

viet-nam-don-luong-khach-quoc-te-lon-dulichgiaitri-du-lich-1661934917.png
Du khách châu Á đến Việt Nam chiếm 69,18% tổng du khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm

Du khách châu Á đến Việt Nam đông nhất với gần 997.000 lượt khách, chiếm 69,18% tổng du khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm. Trong đó, quốc gia trong khu vực có nhiều du khách đến Việt Nam nhất là Hàn Quốc với gần 370.000 lượt khách, tăng 17,61 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quốc gia có lượng du khách đến Việt Nam đông nhất trên thế giới. Xếp thứ 2 là Mỹ với hơn 139.000 lượt khách, tăng 59,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Quốc gia có lượt khách du lịch đến Việt Nam nhiều thứ 3 là Campuchia với 82.000 lượt du khách, tăng 260 lần so với cùng kỳ năm 2021. Nhật Bản và Singapore cũng là 2 quốc gia có lượt khách du lịch đến Việt Nam khá đông với số khách lần lượt là 71.000 và 67.000 lượt.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm 2022 cũng chứng kiến mức tăng trưởng tốt. Tổng doanh thu ước đạt 377,8 nghìn tỷ đồng, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có mức doanh thu tốt như: Cần Thơ tăng 95,5%; Đà Nẵng tăng 84%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 76,3%; Quảng Ninh tăng 72%; Hà Nội tăng 65,2%.

Doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng năm 2022 ước đạt 15,4 nghìn tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa. Một số địa phương đạt doanh thu du lịch lữ hành ấn tượng so với cùng kỳ năm trước như: Cần Thơ tăng 621,5%; Đà Nẵng tăng 471,3%; Hà Nội tăng 335,8%; Hải Phòng tăng 177,9%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 127,6%.

Trong giai đoạn cao điểm hè từ tháng 6 đến tháng 8, nhiều điểm đến hút khách lớn như Phú Quốc, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Quảng Ninh, Quảng Bình, Đà Lạt,… Dự báo đợt nghỉ lễ 2/9 kéo dài 4 ngày sẽ đón lượng du khách ấn tượng.

Theo chiến lược của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong ngắn hạn, ngành du lịch cần khai thác tốt các thị trường đã có kết nối lại hàng không, đã cho phép công dân đi du lịch nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương sau dịch. Trong đó, tập trung thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Úc, ASEAN và linh hoạt, chuyển hướng khai thác thị trường mới, có khả năng tăng trưởng như Ấn Độ, Mỹ, Trung Đông…

Về trung hạn, toàn ngành tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác phát triển các thị trường trọng điểm, xúc tiến các thị trường khách mới tiềm năng hoặc còn đang chiếm thị phần nhỏ nhưng có cơ hội mở rộng thị phần để đa dạng hóa, tạo thế cân bằng, ổn định các thị trường khách.

MINH THƯ