"CEO Wondertour Lê Công Năng": Xây dựng sản phẩm “du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp” thành thương hiệu đặc thù

Add
Nắm bắt xu hướng du lịch sức khỏe sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng dòng sản phẩm này đáp ứng nhu cầu của du khách. Wondertour là một trong những doanh nghiệp tiên phong xây dựng và cung cấp ra thị trường sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, được khách hàng đón nhận và đánh giá cao, CEO Wondertour Lê Công Năng đã chia sẻ với Tạp chí Du lịch những ý tưởng thúc đẩy phát triển dòng sản phẩm này thành thương hiệu du lịch đặc thù của Việt Nam.

CEO Wondertour Lê Công Năng: Xây dựng sản phẩm “du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp” thành thương hiệu đặc thù

Pv: Xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp trong tương lai là chủ đề được nhiều người quan tâm. Theo ông, để phát triển sản phẩm này, doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần khai thác như thế nào?

Ông Lê Công Năng: Những sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch y tế, du lịch làm đẹp… là những sản phẩm đã tạo thành thương hiệu du lịch quốc gia của nhiều nước trên thế giới. Thái Lan nổi tiếng với thương hiệu du lịch chuyển giới. Hàn Quốc điển hình với du lịch làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ. Nhật Bản lại được biết đến với các liệu trình tắm khoáng… Còn có rất nhiều những quốc gia khác cũng đang sở hữu các dòng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp được du khách trẻ ưa chuộng. Vì vậy, tôi cho rằng du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp sẽ vẫn đang là xu hướng thịnh hành trong thời gian tới.

ceo-wondertour-le-cong-nang-hien-ke-xay-dung-du-lich-cham-soc-suc-khoe-va-lam-dep-dulichgiaitri-bao-du-lich-3-1696831257.jpg
CEO Wondertour Lê Công Năng

Thực tế cho thấy nhu cầu đi du lịch đã có nhiều thay đổi sau thời gian dịch COVID-19. Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp bằng những cách riêng, để tạo thành dòng sản phẩm thế mạnh, mang thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, là người “sinh sau đẻ muộn”, chúng ta không những phải cân nhắc, so sánh, tạo sự khác biệt để thu hút du khách mà còn phải “đo ni đóng giày” cho những những sản phẩm còn khá mới này. Nếu như Thái Lan, Hàn Quốc sử dụng công nghệ cao trong xây dựng sản phẩm dịch vụ làm đẹp để hút khách quốc tế thì chúng ta nên sử dụng phương thức truyền thống, bởi Việt Nam là một trong những nước có nền đông-nam dược nổi tiếng, hiệu quả.

Trong lịch trình tham quan các điểm đến khu vực Tây Bắc, các hãng lữ hành Việt Nam cũng đã đưa dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao đỏ vào sản phẩm cho du khách trải nghiệm. Dịch vụ này khá nổi tiếng, đã tạo được trải nghiệm tốt đối với khách nước ngoài. Do đó, để phát triển chương trình tour chăm sóc sức khỏe thành sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, cần tập trung vào các sản phẩm sử dụng các phương pháp làm đẹp tự nhiên truyền thống. Đây sẽ là thế mạnh và phù hợp xu hướng của du khách trẻ, cũng sẽ là cách để chúng ta cạnh tranh một cách sòng phẳng với các quốc gia có thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp theo công nghệ cao.

Pv: Wondertour đã xây dựng dòng sản phẩm này ra sao? Thưa ông?

Ông Lê Công Năng: Qua nghiên cứu khách hàng của Wondertour, chúng tôi nhận thấy nhu cầu đi du lịch đang có sự chuyển đổi, khách đi du lịch đang ngày càng tìm một lý do để bắt đầu hành trình của mình. Nghĩa là khách đi du lịch ngày càng có gu và họ đi du lịch để phục vụ nhu cầu phát sinh nào đó, chứ không đi du lịch một cách đơn thuần. Có thể họ đi du lịch chụp ảnh, thăm thân, giao thương và làm đẹp-chăm sóc sức khỏe… Trong thông tin khách hàng của chúng tôi, có nhiều du khách từng mắc COVID-19, đang bị biến chứng. Họ có nhu cầu cần được chăm sóc sức khỏe. Và Wondertour đã đón đầu xu hướng này khá thành công. Wondertour đã thực hiện sản phẩm, dự án về chăm sóc sức khỏe cho du khách ngay sau khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế trở lại từ ngày 15/3/2022. Sản phẩm du lịch của Wondertour đã cho du khách một không gian để phục hồi, tái tạo năng lượng.

Wondertour đã xây dựng, thử nghiệm và triển khai sản phẩm kết hợp giữa nghỉ dưỡng với thể thao và các phương pháp chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, tái tạo năng lượng thông qua các bài thuốc dân gian truyền thuốc của các dân tộc Việt Nam, đem lại những hiệu quả tốt. Ví dụ, với hành trình khám phá Hà Nội – Sapa, Wondertour đã đưa vào chương trình tour dịch vụ tắm thuốc người Dao đỏ, tổ chức đoàn xe đạp quanh Sapa. Hay tour Sóc Sơn, có chương trình chăm sóc và tái tạo năng lượng bằng việc rèn luyện đạp xe, sử dụng các dịch vụ spa, trị liệu chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp thuần tự nhiên của người Việt đã rất là thu hút khách du lịch.

Không chỉ có vậy, Việt Nam có rất nhiều nguyên liệu quý để làm đẹp theo phương pháp thuần tự nhiên hoặc là phương pháp nam dược đông y. Đơn cử như một số sản phẩm mỹ phẩm của Việt Nam đang rất thịnh hành được chiết xuất thành tinh dầu từ bồ kết, hồi, quế, trầm, dừa, dưa leo, nha đam… Những sản phẩm này có thể dùng để làm quà tặng hoặc phục vụ cho khách du lịch. Tại các vùng nguyên liệu, chúng ta còn có thể phục vụ khách du lịch tại chỗ theo combo gồm không gian cho du khách tham quan, nghỉ dưỡng, ẩm thực, kết hợp chăm sóc sức khỏe trực tiếp bằng những nguyên liệu tự nhiên chưa chiết xuất.

Pv: Làm thế nào để tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn riêng biệt mà vẫn khai thác được lợi thế từ đặc thù của mỗi vùng miền, thưa ông?

Ông Lê Công Năng: Trên thực tế, nếu địa phương nào cũng phát triển sản phẩm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp mà không theo sự phân vùng nguyên liệu, vô hình trung sẽ tạo thành những sản phẩm du lịch giống nhau hoặc na ná nhau. Như vậy sẽ không tạo được sự khác biệt mang dấu ấn riêng, không tạo thành đặc sản mang đặc trưng riêng của một địa phương nào đó. Vì vậy, để sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp “gây thương nhớ” cho du khách, cần phải có sự đầu tư bài bản từ nghiên cứu vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở hạ tầng, quy tụ các bài thuốc chăm sóc sức khỏe đặc trưng, phương pháp chăm sóc khách du lịch đến công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm cũng phải được “đo ni đóng giày”. Chúng ta có thuốc lá người Dao đỏ ở Tây Bắc hay nhiều phương thức làm đẹp của các dân tộc Thái, Mường, Ê Đê, Ban Na…; có ngọc trai ở Phú Quốc; có trà ở Thái Nguyên, Lâm Đồng, Mộc Châu, Yên Bái, Nghệ
An…; dừa ở Bến Tre, trầm hương ở Quảng Nam… Mỗi vùng nguyên liệu đều có thể trở thành nguồn dược liệu rất tốt để phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe – làm đẹp đặc trưng của từng địa phương.

ceo-wondertour-le-cong-nang-hien-ke-xay-dung-du-lich-cham-soc-suc-khoe-va-lam-dep-dulichgiaitri-bao-du-lich-1-1696831282.jpg
Du khách có thể thư giãn cơ thể và tinh thần với lớp học yoga sáng hay thiền buông, thiền chuông, ngâm trú Mantra (Ảnh minh họa)

Pv: Việt Nam có rất nhiều nguyên dược liệu để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng về nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp nhưng lại chưa phát huy được “sự giàu có” này. Theo ông Việt Nam đang thiếu yếu tố gì để nâng tầm sản phẩm du lịch này thành thương hiệu quốc gia?

Ông Lê Công Năng: Tài nguyên dược liệu của Việt Nam rất phong phú, nhiều bài thuốc dân tộc, công thức chế biến sản phẩm làm đẹp truyền thống thuần tự nhiên… đem lại cho du khách sự thích thú. Tuy nhiên, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng về nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cần tuân thủ phương châm “không được hòa tan mà phải tạo ra sự khác biệt, đặc trưng riêng”. Do đó, khi phân vùng nguyên liệu kết hợp xây dựng thương hiệu du lịch, cần cân nhắc tạo ra dòng sản phẩm quà tặng chất lượng tốt để bán cho du khách, đem lại nguồn lợi kinh tế tốt nhất có thể.

Chúng ta có 54 dân tộc, 63 tỉnh thành. Làm thế nào để mỗi địa phương, mỗi một dân tộc phát hiện ra và khai thác tốt thế mạnh của của mình để phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Bên cạnh nguồn dược liệu quý, chúng ta còn rất nhiều những nguyên liệu khác góp phần cho sản phẩm chăm sóc khỏe làm đẹp. Quan trọng là phải có người định hướng, dựa trên những nghiên cứu, những kinh nghiệm chuyên môn để chỉ ra cho các địa phương thấy được là cần phải phát triển những sản phẩm gì và tạo cho sản phẩm đặc trưng riêng gì để thu hút du khách.

Du lịch là sự tổng hợp của rất nhiều lĩnh vực, từ nhà đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng xây dựng, ẩm thực, rồi nhà nghiên cứu văn hóa, di sản và con người… Nên, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cần phát huy tốt hơn nữa vai trò định hướng, phân chia vùng, để phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp ở các địa phương tạo được đặc trưng từng vùng; định hướng truyền thông quảng bá tạo thương hiệu cho họ. Quan trọng hơn nữa là cần sự chung tay của các nhà nghiên cứu về dược liệu, quy hoạch sản phẩm và thị trường để hợp sức xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng, mang dấu ấn thương hiệu đặc trưng riêng cho từng vùng. Từ đó, tạo thành một bức tranh tổng thể về du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho Du lịch Việt Nam mang thương hiệu quốc gia.

Pv: Xin cảm ơn ông!

Anh Hoa (thực hiện)