Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

Admin
(PNTĐ) - Mong muốn tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học thì phải được thực hiện đầu tiên trong các nhà trường, là tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo. Thầy cô giáo giỏi, thầy cô giáo sử dụng thành thạo tiếng Anh thì mới có thể dạy cho học sinh sử dụng, mới xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng.

Tin liên quan

Nữ sinh Nghệ An thủ khoa toàn quốc khối C00

Thí sinh cả nước chính thức bắt đầu đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng

Phổ điểm môn Văn: Gần 300 thí sinh đạt 9,75 điểm

Ngày 18/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội thảo tham vấn giải pháp triển khai đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có đại diện các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, các sở GDĐT, các chuyên gia, nhà khoa học Hội đồng Anh và các đơn vị có liên quan.

Nơi nào thuận lợi thúc đẩy triển khai trước, không đợi đồng loạt

Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là một nội dung trọng tâm trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Sau khi Kết luận được ban hành, Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, toạ đàm lấy ý kiến để triển khai đề án. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cũng đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương để hoàn thiện đề án trình Chính phủ.

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học - ảnh 1
Các đại biểu tham dự hội thảo

Theo Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng, trong dự thảo Đề án nêu rất rõ những mục tiêu, giải pháp hết sức căn cơ.

Đó là, phải có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế thực hiện, điều kiện phát triển đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, về kiểm tra, đánh giá.

Đó là, mong muốn tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học thì phải được thực hiện đầu tiên trong các nhà trường, là tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo. Thầy cô giáo giỏi, thầy cô giáo sử dụng thành thạo tiếng Anh thì mới có thể dạy cho học sinh sử dụng, mới xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng.

Đó là, chuyển đổi phương pháp dạy và  học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Thứ trưởng cho biết: “Qua nghiên cứu, lâu nay mô hình giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam như giảng dạy một ngoại ngữ, một môn học chứ chưa phải dạy và học một ngôn ngữ”. Yêu cầu khi dạy tiếng Anh cần phải phát triển 4 kỹ năng nghe – nói - đọc - viết. Trong quá trình giảng dạy thì cần gắn với khảo thí, kiểm tra, đánh giá, đảm bảo đầu ra; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hợp tác quốc tế trong dạy, học tiếng Anh…

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học - ảnh 2
Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc hội thảo

Thứ trưởng cho biết, việc xây dựng, triển khai lấy ý kiến dự thảo đề án phải dựa trên tinh thần: “Hết sức khẩn trương, không đợi đề án được ban hành mới thực hiện”.

“Do đó, kinh nghiệm của Hội đồng Anh là hết sức quý báu để các cơ sở giáo dục học tập. Những gì chưa đạt sẽ nghiên cứu thêm, những gì đã đạt được sẽ áp dụng thực hiện, tiếp thu trên tinh thần nơi nào thuận lợi thì thúc đẩy trước, không đợi đồng loạt. Địa phương thuận lợi triển khai hiệu quả sẽ trở thành đầu tàu cho những địa phương khó khăn, áp dụng rộng rãi trên toàn quốc với những mục tiêu đã được phê duyệt”, Thứ trưởng chia sẻ.

Một chính sách chỉ hiệu quả khi triển khai đúng cách

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông Thái Văn Tài cho biết: ở Việt Nam, năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên ngày càng được cải thiện; đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ luôn được quan tâm bồi dưỡng thường xuyên và định kỳ về năng lực. Tuy nhiên, việc triển khai dạy học tiếng Anh như một môn học ngoại ngữ trong nhà trường chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học - ảnh 3
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông Thái Văn Tài báo cáo tại hội thảo

Theo ông Tài, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam là một quá trình dài hạn, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược, sự phối hợp đồng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương, kiên định với mục tiêu và kiên trì thực hiện. Khi triển khai thực hiện hiệu quả, Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, tiếp cận tri thức quốc tế và thúc đẩy phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.

Tiến sĩ Victoria Clark, Hội đồng Anh nêu những mục đích hướng tới khi các quốc gia trên thế giới thế giới triển khai xây dựng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học tại hội thảo.

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học - ảnh 4
Tiến sĩ Victoria Clark, Hội đồng Anh

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, bà Victoria Clark nhận định: một chính sách chỉ hiệu quả khi triển khai đúng cách. Điều đó đồng nghĩa với việc giải quyết các bài toán về năng lực giáo viên; sự đồng bộ giữa chương trình học, phương pháp giảng dạy và đánh giá; phối hợp triển khai chính sách; truyền thông và sự đồng thuận của các bên liên quan; các chỉ số và khung đánh giá chất lượng; hệ thống đánh giá và giám sát.

Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ nêu quan điểm, để đề án được triển khai hiệu quả, các địa phương cần có 3 tốt: người dạy có năng lực tốt, người học có nhận thức tốt và môi trường học tập tốt. Trong đó, giáo viên đóng vai trò truyền thụ, truyền cảm hứng là rất cần thiết.

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học - ảnh 5
Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GDĐT Cần Thơ

Ông Tăng chia sẻ, thời gian qua, Thành phố Cần Thơ đã tiếp nhận, sử dụng các giáo viên người bản địa, người Pháp có năng lực tiếng Anh thành thạo vào làm việc tại các nhà trường. Thành phố cũng cho phép các trung tâm tiếng Anh có thể liên kết với các trường phổ thông trong giảng dạy, tương tác nhằm tối ưu sử dụng nguồn giáo viên trên tinh thần tự nguyện, nâng cao chất lượng giáo dục.

Nền tảng vững chắc tạo nên nguồn nhân sự toàn cầu

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết: ngành Giáo dục tỉnh đã chủ động xây dựng đề án về việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Đề án này được xem là 1 trong 6 đề án trọng tâm của tỉnh được thực hiện trong thời gian tới.

Qua thực tế triển khai, ông Dũng cho rằng, các thể chế, chính sách cần được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, có lộ trình, mục tiêu rõ ràng. Trong quá trình triển khai, chính sách cần mang tính đột phá, tháo gỡ các vướng mắc trong thực tế, không rập khuôn, cứng nhắc phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đồng thời, mở rộng các cơ chế về hợp tác, liên kết để triển khai thuận lợi, toàn diện và hiệu quả.

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học - ảnh 6
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh 

Thời gian qua, hầu hết các nhà trường tại Thành phố Hồ Chí Minh đều có thư viện tiếng Anh, tổ chức các hoạt động ngày hội tiếng Anh. Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thành phố cũng đã xây dựng các kho học liệu tiếng Anh, đưa AI vào trong giảng dạy, giúp học sinh phát triển các kỹ năng thực hiện thật tốt thông qua các nền tảng công nghệ. Cùng với đó, thành phố đã triển khai đề án đa dạng hoá tiếng Anh vào trong nhà trường bằng cách dạy môn Toán, Tiếng Anh, Khoa học với người nước ngoài 100%. Hiện có 68 trường học đã triển khai đề án này.

Với đặc thù địa bàn còn nhiều khó khăn, trở ngại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk Võ Thị Minh Duyên đề xuất cần tăng cường đào tạo giáo viên một cách linh hoạt như ưu tiên đào tạo giáo viên tại chỗ, cử đi học hay thí điểm mô hình bồi dưỡng giáo viên để nâng cao trình độ giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh trong các nhà trường.

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học - ảnh 7
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk Võ Thị Minh Duyên

Xây dựng học liệu phù hợp với văn hoá, cuộc sống, địa phương, tạo sự gần gũi, hứng thú cho học sinh trong việc học tiếng Anh. Đồng thời, triển khai học tập trong môi trường tiếng Anh đa dạng, phối hợp với các trung tâm, tổ chức thư viện cộng đồng và có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho giáo viên, học sinh vùng khó khăn.

Triển khai phải dựa vào đặc thù của địa phương

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học - ảnh 8
Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng cùng các đại biểu tham dự hội thảo

Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tại hội thảo, đặc biệt là sự quan tâm của Hội đồng Anh, sự chủ động của các địa phương xây dựng các đề án, giải pháp thực hiện nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường.

Tiếp tục nhấn mạnh quan điểm đề án là khung, Thứ trưởng yêu cầu: “Việc triển khai phải dựa vào ưu điểm, thuận lợi, đặc thù của các địa phương, không dàn hàng ngang, không đợi đủ điều kiện mới thực hiện. Và đây là quan điểm toàn diện”.

Thứ trưởng lưu ý với Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ GDĐT) phân công chuẩn bị tổ chức hội nghị triển khai đề án ngay sau khi đề án được Thủ tướng phê duyệt. Phối hợp chặt chẽ với các sở GDĐT, địa phương để xây dựng các nội dung thuộc về thể chế, chính sách. Các đơn vị khác thuộc Bộ cũng tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về công tác chuyên môn, tổ chức thể chế…

Đối với các địa phương, Thứ trưởng đề nghị, đã chủ động sẽ tiếp tục chủ động hơn, sẵn sàng ban hành các chính sách, chế độ cho người học, người dạy, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo.

“Trong quá trình triển khai, cần bổ sung nội dung gì, gỡ khó ra sao, trao đổi trực tiếp, kịp thời với đơn vị đầu mối của Bộ GD-ĐT, các giải pháp thực hiện cũng phải hết sức linh hoạt, sinh động”, Thứ trưởng lưu ý.