"Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh online & xuất khẩu trực tuyến"

Add
"Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh online & xuất khẩu trực tuyến" là chủ đề chương trình tập huấn nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhận thức về kinh doanh online và chuyển đổi số; từng bước đưa các doanh nghiệp truyền thống áp dụng hình thức trực tuyến và sử dụng các công cụ quảng bá, tiếp cận thị trường, qua đó tối ưu hóa công tác marketing và tăng doanh số bán hàng.
ho-tro-doanh-nghiep-vua-va-nho-kinh-doanh-online-xuat-khau-truc-tuyen-dulichgiaitri-1655679864.jpg

"Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh online & xuất khẩu trực tuyến" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Google phối hợp thực hiện ngày 17/6 tại TP.HCM. Chương trình cũng có có sự tham gia đồng hành của các đối tác, hội viên VECOM.

Tập huấn có sự tham dự của các vị đại biểu: Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương (iDEA) Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) Cao Thị Phi Vấn, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Ngọc Dũng cùng Đại diện các đơn vị phối hợp bao gồm: Công ty Google, Công ty cổ phần đầu tư và công nghệ OSB, Công Ty Cổ Phần Công Nghệ IMGroup, Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Haravan, Nền tảng Droppii.

Những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, từ khi dịch COVID -19 bùng phát tại nhiều quốc gia, thói quen tiêu dùng và hình thức kinh doanh đã thay đổi: chuyển từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh online. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này cũng gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Với khả năng tài chính và nguồn nhân lực hạn chế, các doanh nghiệp này rất cần sự hỗ trợ nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức để có thể từng bước dịch chuyển kinh doanh sang môi trường trực tuyến được hiệu quả.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương (iDEA) cho biết: Tiếp nối những chương trình mà Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã triển khai trong thời gian vừa qua, một chương trình tổng thể sẽ được khởi động trong thời gian tới nhằm hỗ trợ sâu sắc và hiệu quả hơn nữa tới cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, “Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến” có mục tiêu hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp đa lĩnh vực trong giai đoạn từ 2021 – 2025 xuất khẩu thành công thông qua môi trường trực tuyến.

Ngoài các chương trình, giải pháp trong “Hệ sinh thái hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” do Cục Thương mại và Kinh tế số đóng vai trò triển khai còn có sự tham gia, đồng hành của các tổ chức là các Hiệp hội, Ngân hàng, Doanh nghiệp Logistics, báo chí… với các vai trò khác nhau như tư vấn chiến lược, đồng tổ chức sự kiện, cung cấp các công cụ thanh toán, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ ngân hàng, truyền thông…

Với những kế hoạch cụ thể trên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số kỳ vọng “Hệ sinh thái hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” sẽ nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia tích cực từ các đối tác nhằm mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xuất khẩu trên môi trường trực tuyến, bà Nguyễn Thị Minh Huyền chia sẻ thêm.

Chương trình tập huấn tập đã trung vào các nội dung: Nền tảng kinh doanh trực tuyến và bán hàng sàn thương mại điện tử; Các công cụ hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến được trình bày từ các diễn giả của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, và các đơn vị đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế số như: Google, Haravan, Droppii, OSB và IMGroup.

ho-tro-doanh-nghiep-vua-va-nho-kinh-doanh-online-xuat-khau-truc-tuyen-dulichgiaitri-1-1655679920.jpeg

Đặc biệt sau sự kiện offline, Ban tổ chức tiếp tục tổ chức ba buổi tư vấn hướng dẫn chuyên sâu theo hình thức online cho đại biểu có mong muốn tìm hiểu chi tiết hơn về các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử và tiếp thị trực tuyến. Nội dung của ba buổi tư vấn chuyên sâu gồm: Xây dựng kế hoạch kinh doanh online; Kỹ năng sử dụng các công cụ hỗ trợ xuất khẩu của Google; Kỹ năng kinh doanh xuất khẩu trên các nền tảng sàn TMĐT toàn cầu.

Căn cứ vào nhu cầu thực tế và phiếu đăng ký của doanh nghiệp sau 02 buổi tập huấn chính, BTC sẽ tiến hành thẩm định, đánh giá. Các hồ sơ đạt yêu cầu sẽ được BTC thông báo trực tiếp đến doanh nghiệp được chọn tham gia chương trình.

Chương trình tập huấn lần này đã theo sát nội dung thực tiễn và nhu cầu của doanh nghiệp nên nhận được nhiều sự quan tâm tích cực của cộng đồng doanh nghiệp (phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ) thuộc nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh khác nhau. Đa phần các doanh nghiệp tham dự đều có website riêng, có gian hàng trưng bày, bán sản phẩm trên các trang thương mại điện tử và có bộ phận chuyên đảm trách hoạt động bán hàng và tiếp thị trực tuyến. Tuy nhiên, phần đông doanh nghiệp vẫn còn thiếu kinh nghiệm xuất khẩu trực tuyến và kinh doanh online, do đó, thông qua chương trình tập huấn này, các doanh nghiệp đang kỳ vọng sẽ thu thập thêm kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm từ các chuyên gia để hoàn thiện và nâng cao khả năng tiếp thị, bán hàng trên môi trường thương mại điện tử và xuất khẩu trực tuyến. Đây chắc chắn là chương trình mà SMEs không nên bỏ lỡ trong năm 2022.