Nghĩ về bài thơ của một người yêu nước mình

Admin
Tối ngày mồng 5 tháng 9 năm 2023, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương.

Mở đầu buổi lễ là một chương trình văn nghệ chào mừng. Mở đầu chương trình văn nghệ chào mừng là một tiết mục khá hiếm thấy ở các kỳ cuộc tương tự: đọc thơ. Cụ thể là nghệ sỹ Ngọc Thọ đọc diễn cảm một trích đoạn trong chương V trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, chính cái trích đoạn lâu nay vẫn được tách ra để thưởng thức và giảng dạy trong nhà trường phổ thông của chúng ta như một bài thơ độc lập, với nhan đề “Đất nước”.

Đa chiều - Nghĩ về bài thơ của một người yêu nước mình

Quang cảnh Lễ kỷ niệm. 

Thú thực là tôi, người theo dõi, không hứng thú lắm với tiết mục này. Bởi vì tôi đã vài lần, trong các cuộc vui anh em văn nghệ, được xem/ nghe ông Nguyên “bạc”, tức nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, lên đồng với “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Lên đồng bằng tóc râu tung tóe trắng, bằng cái giọng Nghệ nằng nặng rè rè, bằng nhãn quang tửu đồ vương màu rượu khói, và bằng một trí nhớ kỳ lạ. Thơ đọc-to-lên theo cách như thế quả thật khác, rất khác với thơ đọc-to-lên theo cách chỉn chu nhìn vào văn bản.

Nhưng từ đó tôi nghĩ đến những bài thơ viết về đất nước, hoặc Tổ quốc, được phổ biến rộng trong thơ Việt Nam hiện đại. “Đất nước” trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm, đương nhiên rồi. Nhưng trước đó còn có “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, rồi “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi, Việt Nam ơi” của Nam Hà, và cả loạt thơ cùng cảm hứng mà Lưu Quang Vũ viết tại Hà Nội quãng đầu những năm 1970 (Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Đất nước đàn bầu, Tiếng Việt...). Sau này còn có “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến v.v...

Và, tôi không thể bỏ qua một bài thơ khác lạ - khác và lạ - của Trần Vàng Sao, một người Huế, từng là bạn nối khố và bạn chiến đấu của Nguyễn Khoa Điềm: “Bài thơ của một người yêu nước mình”.

Tại sao khác lạ?

Vì rằng, để nói về đất nước, hay Tổ quốc, một đối tượng vừa cụ thể, vừa trừu tượng, lại vừa không sao tách khỏi cuống rốn của phạm trù “cộng đồng tưởng tượng”, thì hầu hết các nhà thơ, mặc kệ sự khác biệt trong cách hình dung, cảm nhận và diễn đạt mang tính riêng tư của họ, đều cần và buộc phải tựa vào những khuôn mẫu chung, những “trích dẫn không ngoặc kép”. Những khuôn mẫu ấy, nói gọn, là lịch sử thăm trầm của dân tộc (bốn nghìn năm); là những huyền thoại, truyền thuyết, ca dao, dân ca; là những vùng đất, những địa danh đã khắc vào ký ức cộng đồng; là con người Việt Nam cần lao, trọng nghĩa trọng tình, kẻ bị áp bức tột cùng mà cũng là chủ thể của một truyền thống văn hóa giàu bản sắc; là nhân dân Việt Nam đau khổ nhưng rất đỗi quật cường qua liên miên các cuộc chiến chống ngoại xâm v.v... Rất dễ nhận thấy những khuôn mẫu ấy trong các bài thơ kể trên, và một kiểu nói bằng sự vang vang của “lời cộng đồng”.

Trong khi đó, bài thơ của Trần Vàng Sao lại gần như bỏ qua bằng sạch những khuôn mẫu (chỉ một lần duy nhất ông “sục” vào huyền thoại: “một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ/ một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng”). Nó bắt đầu bằng những việc cực kỳ tủn mủn của đời thường, những việc được cá nhân hóa đến tột độ: “buổi sáng tôi mặc áo đi giày/ ra đứng ngoài đường/ gió thổi những bông nứa trắng bên sông/ mùi toóc khô còn thơm lúa mùa qua/ bầy chim sẻ đậu trước sân nhà/ những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé/ tôi yêu đất nước này như thế”. Rồi sau đó “tôi” kể chuyện mình, chuyện gia đình mình, chuyện ông bố chết sớm và bà mẹ tảo tần nuôi con lớn trong cảnh nghèo xác nghèo xơ. “tôi yêu đất nước này xót xa”, “tôi yêu đất nước này áo rách”, “tôi yêu đất nước này rau cháo”, .. Cứ như thế, cái tôi ấy trong bài thơ gắn cá nhân mình, của riêng mình thôi, vào với thực thể đất nước buồn rười rượi, buồn rũ ra trong nghèo khổ tủi nhục. Để đến cuối bài mới bật ra rằng đất nước này là đất nước đang chịu cảnh chia cắt. Và kết: “tôi yêu đất nước này chân thật/ như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi/ như yêu em nụ hôn ngọt trên môi/ và yêu tôi đã biết làm người/ cứ trông đất nước mình thống nhất”.

Trần Vàng Sao hoàn thiện bài thơ này ngày 19 tháng 12 năm 1967, nghĩa là khoảng thời gian rất ngắn trước khi thành Huế bị chiến tranh thắt cho giải khăn sô vào Tết Mậu Thân 1968. Nghe nói (vì tôi chưa tìm hiểu kỹ) khi bài thơ này được gửi ra Hà Nội, ông Chế Lan Viên đã đăng trên tạp chí “Tác phẩm mới” với cái tên bị đổi thành “Bài thơ của một người chờ thống nhất”, cho... bớt “nhạy cảm”. Phải rất lâu về sau cái tên mới được hoàn nguyên: “Bài thơ của một người yêu nước mình”. Một tình yêu đất nước khác lạ trong thơ, khác và lạ đến mức trở thành độc trọi.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.