Phát hiện loài sâm cau quý hiếm tại Cát Tiên

Hoàng Huyền
Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, các nhà khoa học vừa phát hiện tại địa phận Vườn Quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai có sinh trưởng loài sâm cau (còn gọi là sâm mây) - một loại thực vật mới không chỉ ở Việt Nam mà còn cả với thế giới.

phat-hien-loai-sam-cau-quy-hiem-tai-cat-tien-dulichgiaitrivn-cong-nghe-1648541466.jpg
Sâm cau tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, Đồng Nai - Ảnh: Tổng cục Lâm nghiệp

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, loài sâm cau mới được phát hiện ở địa phận Vườn Quốc gia Cát Tiên có hoa màu vàng xanh, có tên khoa học là Peliosanthes luteoviridis (thuộc họ măng tây Asparagaceae).

Loài sâm này được nhóm các nhà khoa học gồm ông Nikolay A. Vislobokov và cộng sự thuộc Bộ môn Thực vật bậc cao, Khoa Sinh học, Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow - Nga cùng Trung tâm Khoa học và công nghệ nhiệt đới Việt-Nga (Hà Nội), tìm ra; được chứng minh là một loài thực vật mới đối với khoa học.

Loài này có các đặc điểm hình thái gần giống với loài đã phát hiện trước đó là P. macrostegia với các đặc điểm nhụy hoa tạo thành các vòng hình bán cầu, một vài nhụy cái bị thu hẹp đột ngột tạo thành kiểu hình chùy.

Tuy vậy, loài sâm cau mới này vẫn có những đặc điểm rất khác biệt như cụm hoa mọc dầy đặc, cuống hoa hình trụ mảnh, hoa có màu vàng xanh đặc trưng, đài hoa có kết cấu trong mờ và hơi mỏng.

Việc phát hiện loài sâm cau mới cho thấy giá trị đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên là vô cùng lớn, cần tiếp tục được nghiên cứu, bảo tồn, phát huy.

Vườn Quốc gia Cát Tiên được đánh giá có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học giá trị của Việt Nam, được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2001.

Đến năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã xếp hạng vườn quốc gia Cát Tiên là di tích quốc gia đặc biệt. Vườn quốc gia Cát Tiên trải dài trên 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước với hơn 80.000 ha, được bao quanh bởi 90 km sông Đồng Nai.

Đỗ Hương