Quản lý vật tư nông nghiệp cần có sự chung tay của người nông dân

Admin
(Chinhphu.vn) - Việt Nam đã xây dựng đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật. Tuy nhiên để các sản phẩm này được sử dụng hiệu quả, an toàn cần thúc đẩy người nông dân không chỉ sử dụng đúng cách mà còn chung tay góp sức trong quản lý sử dụng thuốc để bảo vệ môi trường, phát triển ngành trồng trọt bền vững.
Quản lý vật tư nông nghiệp cần có sự chung tay của người nông dân- Ảnh 1.

Vấn đề phân bón giả, kém chất lượng với bao bì tinh vi đang gây khó khăn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa

Liên tục kiện toàn hệ thống pháp lý

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết Việt Nam đã xây dựng đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, trong đó thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV) được quy định tại Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, còn phân bón tuân thủ Luật Trồng trọt cùng các thông tư, quy định liên quan. "Chúng ta quản lý chặt chẽ chuỗi sản xuất, lưu thông thông qua đăng ký, khảo nghiệm, sản xuất. 100% thuốc BVTV phải được khảo nghiệm, sử dụng đúng cách theo hướng dẫn từ các chương trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp)", ông Hiếu cho biết. Phân bón cũng trải qua kiểm định nghiêm ngặt trước khi lưu hành.

Từ năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã loại bỏ 1.706 tên thương phẩm và 12 hoạt chất thuốc BVTV nguy hiểm, cùng 1.265 hàm lượng hoạt chất không đạt tiêu chuẩn khỏi danh mục sử dụng. Tổng cộng, hơn 1.700 loại thuốc đã bị loại bỏ, thể hiện nỗ lực lớn trong việc nâng cao an toàn. Ông Hiếu nhấn mạnh: "Việc này mở đường cho thuốc thế hệ mới, thời gian cách ly ngắn hơn, an toàn hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn". Các chương trình tập huấn, tuyên truyền đã giúp nông dân sử dụng thuốc đúng cách, đúng liều, khuyến khích thuốc sinh học. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tình trạng lạm dụng thuốc hóa học, pha trộn không đúng, hoặc mua bán qua mạng xã hội với nguồn gốc không rõ ràng. Với phân bón, việc bón theo kinh nghiệm và lạm dụng hóa chất vẫn phổ biến, cùng với vấn đề phân bón giả, kém chất lượng.

Tuy vậy, vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng cũng vẫn đang tồn tại khiến nhiều đơn vị quản lý lĩnh vực này vẫn còn loay hoay, người nông dân thì bị thiệt hại lớn.

Ông Nguyễn Quang Hiếu thừa nhận vấn đề phân bón giả, kém chất lượng với bao bì tinh vi đang gây khó khăn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, nơi thiếu thiết bị và kỹ năng nhận diện. "Cần mạng lưới cảnh báo, tập huấn cho nông dân và cán bộ, phối hợp với doanh nghiệp để minh bạch hóa thị trường", ông Hiếu cho biết. Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tổ chức nhiều buổi đào tạo, sẵn sàng hợp tác với Hội Nông dân để giám sát hiệu quả hơn.

Là một người lâu năm nghiên cứu chính sách của ngành nông nghiệp, ông Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn đánh giá cao vai trò giám sát, xem đây là thước đo an ninh nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế xanh, ngăn chặn vật tư giả, mở rộng xuất khẩu. Ông nhận định: "Giám sát tạo áp lực để doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, nhưng còn hạn chế, đặc biệt với phân bón – khó kiểm soát do bao bì không ghi rõ cách phối trộn". Ông đề xuất minh bạch hóa thị trường, cung cấp thông tin chi tiết về liều lượng, thời điểm bón, và thiết lập chuỗi cung ứng rõ ràng. "Nông dân cần giữ chứng từ, mẫu vật tư để nâng cao vai trò giám sát", ông nhấn mạnh.

Nâng cao năng lực giám sát cho người nông dân

Từ 2014-2020, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện chương trình giám sát pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Ông Đỗ Minh Hải, Phó Trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ: "Chương trình huy động hơn 100.000 buổi tuyên truyền, 6 triệu lượt người tham gia, phát hơn 400.000 tờ gấp, tổ chức gần 10.000 lớp tập huấn cho 800.000 lượt nông dân". Kết quả, nông dân nhận diện tốt hơn vật tư kém chất lượng, tham gia xây dựng mô hình sử dụng an toàn, bảo vệ môi trường. Hội đã thành lập gần 6.000 đoàn giám sát, xem xét 7.300 văn bản, phát hiện hơn 2.600 vụ vi phạm.

Tuy nhiên, ông Hải chỉ ra hạn chế: giám sát việc sử dụng vật tư của nông dân còn yếu, phối hợp liên ngành chưa đồng bộ, năng lực cán bộ cơ sở hạn chế, và theo dõi xử lý sau giám sát chưa hiệu quả. Ông đề xuất tăng cường phối hợp với các ngành, đổi mới tuyên truyền, nhân rộng mô hình điểm, kiểm tra chéo qua các câu lạc bộ (CLB) như CLB Nông dân với Pháp luật, CLB Môi trường, và hỗ trợ phân bón trả chậm qua trung tâm của Hội.

Ông Hoàng Trọng Thủy kêu gọi nông dân trở thành "người tiêu dùng thông minh" bằng cách học tập, sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, và tham gia chấm điểm vật tư đầu vào qua nền tảng điện tử của Hội. Ông Đỗ Minh Hải nhấn mạnh: "Nông dân cần ý thức trách nhiệm, tránh lợi nhuận trước mắt để bảo vệ sức khỏe và môi trường." Ông Nguyễn Quang Hiếu khuyên nông dân tìm hiểu pháp luật, tham gia giám sát, áp dụng "bốn đúng" (đúng cách, đúng lúc, đúng liều, đúng đối tượng) và cùng xây dựng phong trào sản xuất sạch.

Để phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đẩy mạnh Đề án "Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030", kết hợp với chiến lược BVTV sinh học. Bộ cũng đặt mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực về tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học, giảm phụ thuộc hóa chất. Điều này đòi hỏi sự tham gia tích cực của nông dân trong giám sát, với sự hỗ trợ từ chính quyền và doanh nghiệp.

Hội Nông dân cần tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn, tổ chức các lớp tập huấn đồng thời, xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại và mạng lưới cảnh báo quốc gia để hỗ trợ nông dân. Khi nông dân trở thành "người tiêu dùng thông minh", như khuyến nghị của ông Hoàng Trọng Thủy, họ sẽ dẫn dắt phong trào sản xuất sạch, góp phần xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, và cạnh tranh toàn cầu vào năm 2030.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Ngăn chặn đầu cơ, trục lợi vật tư nông nghiệpNgăn chặn đầu cơ, trục lợi vật tư nông nghiệp
Tham khảo thêm
Ngăn chặn, xử lý nghiêm buôn bán vật tư nông nghiệp kém chất lượngNgăn chặn, xử lý nghiêm buôn bán vật tư nông nghiệp kém chất lượng