Tp.HCM: Nhập học phải cam kết không chuyển trường, Sở GD&ĐT nói gì?

Admin
Nhiều phụ huynh tại Tp.HCM bất ngờ khi làm thủ tục nhập học cho con vào lớp 10 vì một số trường THPT yêu cầu cam kết 3 năm không được chuyển trường.

Cam kết để hạn chế "chạy" trường?

Trao đổi với Người Đưa Tin, chị L.H.T., ngụ quận 3, Tp.HCM cho biết, khi làm thủ tục nhập học cho con thì trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (quận 3) yêu cầu phải ký một bản “cam kết của phụ huynh học sinh”.

Cụ thể có điều khoản rằng “việc nộp hồ sơ cho con vào học ở nhà trường đã được chúng tôi bàn bạc và chọn lựa theo nguyện vọng của gia đình; không viện các lý do: khó khăn do nhà xa, không người đưa đón, đường sá giao thông nguy hiểm, thời gian đóng cổng trường sớm… Gia đình chúng tôi cam kết chỉ xin chuyển trường cho con khi kết quả học tập, hạnh kiểm của học sinh quá yếu kém cần phải thay đổi môi trường học tập khác phù hợp hơn và đúng theo quy định của ngành giáo dục”.

tphcm-nhap-hoc-phai-cam-ket-khong-chuyen-truong-so-gddt-noi-gi-dulichgiaitri-1-1658377511.jpg
Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, quận 3, Tp.HCM và một vài đơn vị khác tự ý đặt ra yêu cầu phụ huynh học sinh cam kết không chuyển trường.

Các phụ huynh có con vừa trúng tuyển vào lớp 10 trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5) cũng được yêu cầu ký cam kết với nội dung tương tự là “cam kết để con mình học đến hết lớp 12 và không rút hồ sơ chuyển trường đến trường khác giữa cấp học”.

Anh Ngô Đình Dư, ngụ quận 11 băn khoăn: “Không thể biết trước được trong 3 năm học có những tình huống bất khả kháng nào phát sinh, như phải chuyển nhà, điều kiện sức khỏe hoặc môi trường học không phù hợp… Ngay tại thời điểm làm thủ tục nhập học, trường đã bắt phụ huynh cam kết cho thời gian 3 năm sau thì có hợp lý hay không?”.

Tương tự, trong đơn xin nhập học của một số trường như THPT Hồ Thị Bi (huyện Hóc Môn), THPT Trần Khai Nguyên (quận 5), THCS-THPT Sương Nguyệt Anh (quận 10)… cũng có nội dung bắt phụ huynh cam kết không chuyển con sang trường khác trong suốt 3 năm học THPT.

Việc cam kết này được lãnh đạo các trường THPT nêu trên lý giải theo nhiều cách khác nhau. Ông Huỳnh Đức Vịnh, Phó Hiệu Trưởng trường THPT Lê Thị Hồng Gấm cho rằng, điều này là cần thiết để hạn chế tình trạng “chạy” trường.

“Thời gian qua, có một số em đậu nguyện vọng ở trường điểm chuẩn thấp, học xong một học kỳ lại xin qua trường điểm chuẩn cao. Mà khi đã trúng tuyển và đăng ký vào trường, phụ huynh phải xác định được 3 năm học sắp tới như thế nào. Cho nên không thể lấy các lý do như nhà xa, không người đưa đón… để xin chuyển trường. Do đó, trường chỉ giải quyết các trường hợp chuyển nơi cư trú, hoặc các lý do hợp lý khác cho chuyển sang trường khác phù hợp hơn”, ông Vịnh nói.

Còn bà Trần Phong Nhiên Hạnh, Phó Hiệu Trưởng phụ trách chung trường THPT Trần Hữu Trang cũng trần tình: “Năm nay có đổi mới là học sinh lớp 10 phải lựa chọn học tổ hợp môn học, do đó việc học sinh theo học ổn định tại một trường là cần thiết.

Trường yêu cầu cam kết là nhằm giữ ổn định tổ chức của nhà trường. Tuy nhiên, với những trường hợp chuyển chỗ ở, thay đổi môi trường sống, bố mẹ chuyển công tác… thì tùy tình hình trường vẫn linh động giải quyết. Việc yêu cầu ký cam kết không chuyển trường đã được thực hiện từ nhiều năm nay”.

Giấy cam kết là “sáng tạo” của các trường

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM khẳng định, hồ sơ học sinh trúng tuyển nộp vào các trường THPT chỉ bao gồm 6 loại giấy tờ.

Bao gồm: Phiếu đăng ký xét tốt nghiệp THCS năm 2022 và thi tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2022 - 2023, phiếu báo điểm tuyển sinh lớp 10 trên đó có điểm thi và 3 nguyện vọng, học bạ cấp THCS (bản chính), giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời do các cơ sở giáo dục cấp và nộp bản chính văn bằng khi được Phòng GD&ĐT cấp, giấy khai sinh được kiểm tra từ hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10, giấy xác nhận được hưởng chính sách ưu tiên (nếu có) do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Tp.HCM nhấn mạnh, việc chuyển trường cho học sinh trên địa bàn Tp.HCM phải thực hiện theo đúng với quy định của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn của Sở GD&ĐT Tp.HCM

“Việc áp dụng những tờ cam kết này là “sự sáng tạo” của các trường, sẽ được Phòng Giáo dục trung học của Sở nhắc nhớ, rút kinh nghiệm”, ông Bảo cho biết.

tphcm-nhap-hoc-phai-cam-ket-khong-chuyen-truong-so-gddt-noi-gi-dulichgiaitri-3-1658377520.jpg
Sở GD&ĐT Tp.HCM đã nhắc nhở các trường THPT về "sáng tạo" cam kết không chuyển trường.

Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật, Đoàn Luật sư Tp.HCM nhận xét: “Cần phải xem cụ thể nội dung cam kết mà các nhà trường đưa ra để phụ huynh ký có trái các quy định pháp luật hay không để cân nhắc từ chối không ký”.

Cụ thể, Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, có thể xem cam kết là hành vi pháp lý đơn phương, nội dung cam kết thể hiện ý chí tự ràng buộc của người viết cam kết với điều khoản đã cam kết.

Còn Điều lệ Trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/6/2020 của Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT) thì học sinh có quyền được chuyển trường nếu đủ điều kiện theo quy định.

Theo đó học sinh chỉ được chuyển nếu có một trong hai điều kiện. Một là, học sinh chuyển nơi cư trú theo cha hoặc chuyển nơi cư trú theo mẹ hoặc chuyển theo người giám hộ. Hai là, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình hoặc trường hợp học sinh có lý do thực sự chính đáng để phải chuyển trường.