Gia Lai: 100% hộ dân ở thị xã An Khê tự trang bị bình chữa cháy

Admin
Thị xã An Khê là địa phương đầu tiên trong tỉnh Gia Lai, có 100% hộ dân tự trang bị bình chữa cháy để phòng ngừa hỏa hoạn.

Ông Võ Văn Lưu (trú tổ 3, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) chia sẻ: “Những năm gần đây, các vụ hỏa hoạn xảy ra trong cả nước gây thiệt hại nhiều về người và tài sản, chúng tôi cũng thấy lo. Vậy nên khi Công an phường và tổ dân phố vận động, gia đình tôi tham gia tổ liên gia phòng cháy chữa cháy với 16 hộ.

Chúng tôi tự bỏ tiền mua 1 bình cứu hỏa để sẵn trong nhà ngừa có hỏa hoạn. Phía Công an phường cũng tổ chức tập huấn cách sử dụng bình chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm cho bà con trong phường. Có bình chữa cháy trong nhà, bà con thấy yên tâm hơn trước nguy cơ cháy nổ”.

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, Thiếu tá Phạm Văn Tăng, Phó Trưởng Công an phường Tây Sơn thông tin: Toàn phường có 2.741 hộ dân với 2.708 hộ có mặt tại địa phương, 33 hộ đi làm ăn xa. Khi triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC, đơn vị phân công cán bộ, chiến sĩ đến tận nhà dân tuyên truyền, vận động.

“Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC nên bà con tham gia tích cực. Một số mạnh thường quân sinh sống tại địa phương cũng ủng hộ kinh phí để mua sắm 97 bình cứu hỏa tặng cho những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Hiện, 100% hộ dân trên địa bàn tự trang bị bình chữa cháy xách tay để trong nhà”.

Dân sinh - Gia Lai: 100% hộ dân ở thị xã An Khê tự trang bị bình chữa cháy

Người dân tích cực tham gia công tác phòng cháy chữa cháy.

“Ngoài ra, ở Công an phường cũng có sẵn 20 bình chữa cháy xách tay để sẵn sàng ứng cứu khi có hỏa hoạn. Chúng tôi cũng thành lập được 1 tổ liên gia an toàn PCCC và 7 điểm chữa cháy công cộng.

Hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận của công tác PCCC trên địa bàn là trong năm 2023 không xảy ra các vụ hỏa hoạn, từ đầu năm 2024 đến nay cũng vậy. Đặc biệt là khoảng tháng 8/2023, tại 1 gia đình ở tổ 7 bị chập điện trong lúc nấu nước nhưng nhờ có bình cứu hỏa sẵn trong nhà nên kịp thời khống chế ngay từ đầu, không để hình thành đám cháy”, Thiếu tá Tăng cho hay.

Dù địa bàn xã còn nhiều khó khăn so với các địa phương khác của thị xã và có 3 làng người dân tộc thiểu số, nhưng xã Tú An cũng đã hoàn thành việc vận động 100% hộ dân trên địa bàn tự mua bình chữa cháy xách tay từ trước tháng 11/2023.

Ông Trần Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Tú An cho biết: “Tú An là đơn vị cấp xã đầu tiên trong tỉnh hoàn thành việc vận động người dân tự mua sắm bình cứu hỏa. Chủ trương đúng nên việc triển khai thực hiện rất thuận lợi, người dân ủng hộ tích cực.

Ngay cả những hộ dân đi làm ăn xa cũng gửi tiền về nhờ người thân, hàng xóm đăng ký mua giúp. Xã cũng đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tại các thôn, làng về công tác PCCC và phát trên loa truyền thanh các biện pháp ngăn ngừa, kỹ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn”.

Theo thống kê của Công an thị xã An Khê, tính đến ngày 28/11/2023, có 17.132 hộ dân có mặt, sinh sống, làm việc tại địa phương tự trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy xách tay tại gia đình.

Công an thị xã cũng đã phối với các địa phương triển khai 146 buổi tuyên truyền kiến thức, kỹ năng PCCC với 17.369 hộ dân tham gia và phát 900 tờ rơi về PCCC.

Dân sinh - Gia Lai: 100% hộ dân ở thị xã An Khê tự trang bị bình chữa cháy (Hình 2).

Nhiều hộ dân tự trang bị bình chữa cháy cho gia đình.

Bên cạnh đó, Tổ tuyên truyền 979 của Công an thị xã cũng đã phối hợp tổ chức tuyên truyền về công tác PCCC tại tất cả các trường học trên địa bàn. Đối với 415 hộ dân không có mặt tại địa phương, Công an các phường cũng đã chủ động liên hệ để tuyên truyền về công tác PCCC, vận động khi trở về An Khê sinh sống cần tự trang bị bình chữa cháy.

Trung tá Nguyễn Thành Huy, Trưởng Công an thị xã An Khê cho biết: Công an thị xã hoàn thành việc tuyên truyền người dân trang bị bình chữa cháy từ cuối tháng 10/2023, hoàn thành sớm hơn 2 tháng so với chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương.

Đơn vị cũng kêu gọi mạnh thường quân tài trợ kinh phí mua 600 bình chữa cháy tặng cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn.

“Qua thực tiễn triển khai, vận động 100% hộ dân trên địa bàn trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy, chúng tôi rút ra 1 số kinh nghiệm thiết thực. Đó là cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương và sự đồng lòng của người dân, công tác tuyên truyền cần thực hiện thường xuyên và liên tục, chú trọng xây dựng đội ngũ làm công tác tuyên truyền PCCC, đẩy mạnh công tác xã hội hóa về vận động người dân trang bị bình chữa cháy”.

“Mặt khác, để công tác vận động người dân tự trang bị bình chữa cháy đạt hiệu quả cao cần giao chỉ tiêu từng giai đoạn cho các đội nghiệp vụ, công an các địa phương và có thông báo kết quả, khen thưởng kịp thời; yêu cầu cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang tiên phong thực hiện để làm gương”, Trung tá Huy nói.